(TSVN) – Xuất khẩu thủy sản, chủ yếu từ bờ biển phía tây Ấn Độ tổn thất nghiêm trọng khi đối tác Trung Quốc vẫn lo ngại virus corona trên bao bì sản phẩm. Quốc gia này hiện chiếm gần 25% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ.
Theo các hãng xuất khẩu thủy sản tại Ấn Độ, họ đang đối mặt gánh nặng tài chính do đối tác Trung Quốc không thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán đơn hàng. Những vấn đề căng thẳng tại đường biên giữa hai quốc gia cũng ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa giữa 2 bên. Cùng đó, những kết luận không công bằng và vô lý của nhà chức trách Trung Quốc về tình trạng tôm Ấn Độ nhiễm hội chứng virus đốm trắng và sự xuất hiện của virus corona trên bao bì sản phẩm đã trở thành rào cản nghiêm trọng đối với xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc, theo Rajarshi Banerjee, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu thủy sản West Begal.
Cơ quan quản lý thương mại Ấn Độ và Đại sứ quán chưa lên tiếng và giải quyết những vấn đề trên. Trong khi đó, toàn bộ sản lượng thủy sản vùng biển phía tây đều phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện, mọi hoạt động xuất khẩu của vùng này đã gần như bị đóng băng, đe dọa trực tiếp đến sinh kế của hơn 2 triệu ngư dân trong vùng. Tiền hàng không được thanh toán, hoặc trì hoãn thanh toán, cùng đó chi phí vận tải tăng liên tục đã trở thành gánh nặng thực sự với nhiều công ty xuất khẩu thủy sản tại Ấn Độ.
Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về nuôi tôm và là một trong những nguồn cung tôm lớn nhất trên thị trường toàn cầu. Năm tài khóa 2020-21, Ấn Độ đã xuất khẩu 1.289.651 tấn thủy sản, trị giá 6.68 tỷ USD, giảm 20% so năm tài khóa trước. Banerjee cho biết, nhà quản lý hoạt động thương mại tại Mỹ đang đề xuất thuế trả đũa nhiều hàng hóa Ấn Độ do trước đó Ấn Độ đã áp thuế 2% lên một số hàng hóa, dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ. Một trong những mặt hàng được đề cập lần này là tôm đông lạnh của Ấn Độ.
Ấn Độ hiện là thị trường tôm lớn nhất của Mỹ, chiếm 50% tổng sản xuất, tương đương trị giá 2,5 tỷ USD hàng năm. Xuất khẩu tôm – ngành nghề tạo 10 triệu việc làm cho người lao động, chủ yếu là nông dân nuôi tôm, sẽ bị bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến thất nghiệp và nhiều vấn đề xã hội khác, Banerjee nói. Để giải quyết vấn đề này, Banerjee cho rằng nhà chức trách cần đối thoại và hành động ngay lập tức.
Các công ty xuất khẩu thủy sản Ấn Độ cho biết thêm, chi phí vận tải đang tăng từng ngày, đặc biệt phí vận chuyển container hàng lạnh sang Mỹ đã tăng từ 3.500 USD vào tháng 3 năm ngoái lên 6.500 USD hiện nay. Một vài công ty cho biết họ vừa nhận được thông báo tăng phí có hiệu lực vào ngày 1/5 từ hãng tàu Maerk. Như vậy, chỉ trong 1 tháng, cước phí vận tải đã tăng gấp đôi. Sau Maerk, rất nhiều hãng vận tải khác có thể cũng tăng phí theo khiến các công ty xuất khẩu thủy sản tại Ấn Độ càng thêm chồng chất khó khăn.