Vẹm vỏ xanh (Perna viridis), là loài hai mảnh vỏ dễ nuôi, chi phi đầu tư thấp, độ rủi ro ít rất thích hợp cho hộ nuôi nhỏ. Các hình thức nuôi chủ yếu hiện nay là nuôi theo hình thức dây treo và nuôi cọc.
Hình thức nuôi dây treo
Lựa chọn địa điểm
Vùng nuôi vẹm theo hình thức dây treo phải đảm bảo các điều kiện:
Độ mặn của nước dao động từ 18 – 32‰ (kể cả trong mùa mưa), dòng chảy từ 0,2 – 0,5m/s, độ trong từ 2m trở lên. Độ sâu từ 0,5m xuống -1m so với số 0 hải đồ (thấp hơn so với mép sóng từ 4 – 5m).
Chuẩn bị vật liệu, dụng cụ
Vải màn hoặc lưới cước có mắt lưới nhỏ tương tự vải màn hoặc nylon mỏng; dây làm vật bám (dây nylon ô = 2 – 3cm); dây treo ô = 1cm); cọc làm giàn (cọc gỗ ô = 10 – 15cm, dài 2 – 2,5m); cây làm xà treo (cây gỗ ô = 10cm); dây kẽm buộc giàn 2,5mm; các dụng cụ như dao, cưa, kìm, kéo, vồ.
Làm túi thả giống và giàn treo
Túi thả giống: Vải màn hoặc săm cước được cắt nhỏ và may thành các ống lưới có đường kính 4 – 5cm, dài từ 30 – 40cm. Nếu dùng nilon thì dán thành các ống túi có kích thước như trên, sau đó dùng kéo cắt thủng túi có đường kính 2 – 3mm.
Cắt dây nilon có đường kính 2 – 3cm làm vật bám thành các đoạn có chiều dài khoảng 50cm. Luồn dây làm vật bám vào trong lòng các ống lưới hoặc túi nilon, sau đó buộc chặt đáy túi vào đầu dây phía dưới. Đầu dây phía trên được buộc gập lại để tạo thành khuy để luồn dây treo. Cắt dây treo thành các đoạn có độ dài khoảng 1 – 1,5m. Luồn một đầu dây vào khuy của dây bám và buộc chặt lại. Đầu dây còn lại dùng để treo vào xà hoặc bè.
Giàn treo: Dùng cọc đóng thẳng hàng theo chiều vuông góc với dòng chảy của nước. Khoảng cách mỗi cọc từ 1,5 – 2m (làm vào lúc thủy triều ở mức 0 – 0,3m). Dùng dây thép buộc chặt các cây xà ngang qua các đầu cọc, xà treo cách mặt bãi khoảng 1 – 2m.
Kỹ thuật thả giống
Thả giống cỡ 1cm, mỗi túi thả khoảng 1.000 con giống, sau đó buộc chặt miệng túi vào dây bám. Treo túi lên xà hoặc bè, nếu treo trên bè thì thả túi xuống độ sâu 2,5 – 3,5m.
Quản lý và chăm sóc
Sau khoảng 5 – 10 ngày, kiểm tra thấy vẹm đã mọc tơ chân và bám vào dây nilon thì dùng kéo hoặc dao cắt bỏ túi.
Thường xuyên kiểm tra giàn treo và dây treo, nếu có sự cố phải được sửa chữa ngay.
Khi vẹm lớn lên, nếu thấy mật độ quá dày thì dùng dao nhỏ hoặc kéo cắt tơ chân một số cá thể để tỉa chùm vẹm thưa hơn. Số cá thể cắt ra lại cho vào túi như khi thả giống để tạo ra những dây treo giống mới.
Luôn vệ sinh dây treo, cọc và xà vì các loại hà, sun khi bám vào cọc và xà có thể làm cọc và xà bị gãy. Cá ăn rêu có thể cắn đứt dây treo, một số loài cua biển là những địch hại có thể ăn thịt vẹm.
Chi phí nuôi vẹm xanh thấp, cho hiệu quả cao – Ảnh: Xuân Trường
Hình thức nuôi cọc
Địa điểm nuôi
Yêu cầu giống hình thức nuôi dây treo.
Chuẩn bị cọc và dây bám giống
Máng bám giống: Máng xi măng hoặc bể nhựa dài khoảng 2 – 3m; rộng 0,5m; cao 0,5m. Có thể tạo máng bằng cách dùng gỗ tạp đóng khung máng có kích thước tương tự và trải nylon hoặc bạt nhựa để chứa nước.
Cọc bằng gỗ khô, loại gỗ không có nhựa độc, chiều dài cọc 2 – 2,5m, đường kính từ 11 – 15cm.
Dây bám giống: Chão bẹ dừa hoặc chão cói có đường kính 1,5 – 2cm, dài 2,5 – 3cm.
Kỹ thuật cho bám giống vào dây
Đưa nước biển sạch và có độ mặn tương đương với nơi nuôi vào bể composite hoặc máng. Sục khí và thả giống vào bể, đưa dây bám vào đáy bể theo chiều dài của máng và sợi dây nằm giữa các lớp vẹm giống ở dưới đáy.
Sau 3 – 5 ngày vẹm mọc tơ chân bám vào dây thì đem chuyển ra bãi nuôi.
Quấn dây vào cọc
Cọc được đóng vững chắc xuống bãi, mỗi cọc được quấn từ 1 – 2 dây giống. Vẹm sẽ bám cả vào dây quấn và thân cọc trong quá trình phát triển.
Quản lý, chăm sóc
Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh độ vững chắc của cọc, nếu mật độ vẹm quá dày thì cần tỉa thưa. Các cá thể tỉa ra lại cho vào máng (bể) bám đề tạo dây giống mới.
Thu hoạch
Tùy thuộc vào nguồn thức ăn mà thời gian thu hoạch khác nhau, tuy nhiên, đối với cả hai hình thức nuôi, khi chiều dài vỏ đạt từ 8 – 10cm trở lên có thể thu hoạch bằng cách dùng kéo hoặc dao để cắt chân tơ từng cá thể vẹm.
>> Nuôi vẹm vỏ xanh thương phẩm có thể kết hợp được với nuôi tu hài thương phẩm sẽ tận dụng được tối đa các điều kiện sẵn có như giàn treo, nguồn thức ăn… từ đó giảm chi phí đầu tư và tăng được hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích mặt nước. |
Đoàn Quân
>> “Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản” Được biên soạn bởi tác giả Đỗ Đoàn Hiệp và Phạm Tân Tiến, qua hơn 200 trang sách, người đọc có thể tìm thấy từ những điều nhỏ bé nhất như những khái niệm, thuật ngữ… đến những công việc như: lựa chọn địa điểm xây dựng trại nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật sinh sản và nuôi thương phẩm một số loài cá nước ngọt, nước mặn có giá trị kinh tế, công nghệ nuôi các trong ao nước tĩnh đạt năng suất cao, cách quản lý trang trại nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường trong NTTS thông qua kỹ thuật xử lý nước trong trong khi nuôi, sau khi nuôi bằng các phương pháp sinh học và hóa học. “Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản” không chỉ là tài liệu hữu ích cho những người đã và đang NTTS mà còn rất cần thiết cho những ai muốn bắt đầu với nghề. Sách do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Tuấn Tú |