Ngày 25/12/2012, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013. Tại hội nghị, nhiều “kế sách” đã được đóng góp cho sự phát triển của ngành trước thềm 2013.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực
Về tiến độ thực hiện dự án, trong năm 2012, Tổng cục Thủy sản đã triển khai 27 đề án. Trong đó, 10 đề án thuộc cơ quan thường trực khác, 7 đề án được lồng ghép, 7 hoàn thành hoặc dừng. Tuy nhiên, các đơn vị cần tránh tình trạng báo cáo chưa rõ, hay chưa hoàn thành. Năm 2013, Viện Nghiên cứu Hải sản làm sao điều tra nguồn lợi để đánh giá chất lượng cũng như nguồn lợi, có tổ chức khai thác trên biển. Bên cạnh đó, Viện cần kết hợp với Dự án Movimar (thuộc Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp) nhằm cung cấp thông tin dự báo hàng tháng, quý. Đồng thời, khẩn trương đi vào các vấn đề khai thác cần và nghiên cứu để chuyển giao công nghệ, tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Ông Trần Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT: Cần sắp xếp thứ tự ưu tiên từng nhiệm vụ
Để hiệu suất công việc được cao hơn, Tổng cục Thủy sản cũng như các đơn vị trực thuộc cần sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhiệm vụ, tránh dàn trải. Vấn đề nào cấp bách sẽ ưu tiên giải quyết trước để hiệu quả đạt cao. Vụ Pháp chế đang tham mưu Bộ phê duyệt một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, tránh sự chồng chéo, các văn bản được xây dựng dựa trên thực tế tình hình nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Đồng thời, Vụ cũng phối hợp với các đơn vị để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả nhất.
Cần chú trọng công tác bảo quản sau thu hoạch – Ảnh: Thanh Nhã
Ông Nguyễn Ngọc Oai – Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tập trung triển khai hiện đại hóa tàu cá
Trong kế hoạch xây dựng văn bản, vấn đề nào cấp thiết cần làm ngay, đều được Cục KT&BVNLTS triển khai rất tích cực cùng sự phối hợp với các đơn vị khác. Năm 2013, Cục KT&BVNLTS đẩy mạnh công tác chỉ đạo ngư dân khai thác trên biển, đặc biệt là bảo vệ ngư dân hoạt động trên các vùng biển. Có những chính sách phù hợp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khâu bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác, triển khai hiện đại hóa tàu cá, áp dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác biển, kiện toàn hệ thống tổ chức đăng kiểm tàu cá…
Ông Lưu Văn Huy – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh Tra: Kiểm soát chặt yếu tố đầu vào trong nuôi trồng
Năm 2013, công tác tham mưu tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng tâm. Về nuôi trồng, tăng cường kiểm soát yếu tố đầu vào như giống, thuốc thú y… Về khai thác, xử lý văn bản hành chính, các hoạt động đăng ký, đăng kiểm tàu cá; công tác xây dựng lực lượng Kiểm ngư, tham mưu Bộ ban hành Nghị định Kiểm ngư… Tiếp tục phối hợp với Vụ Tổ chức – Cán bộ báo cáo Bộ trưởng sửa đổi Điều 3, Quyết định số 05/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản; trình Bộ trưởng ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Cục Kiểm ngư.
Ông Nguyễn Tử Cương – Hội nghề cá việt nam: Tận dụng lực lượng triển khai VietGAP
Năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã được Tổng cục tạo điều kiện tham gia vào nhiều hoạt động, như xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, hỗ trợ ngư dân và người nuôi có cuộc sống tốt hơn, cụ thể là hỗ trợ về xăng dầu, chi phí đi biển cho ngư dân, kiểm soát dịch bệnh cho người nuôi… Tuy nhiên, tôi cũng xin góp ý, thứ nhất, chúng ta cần làm mạnh mẽ hơn nữa việc bảo vệ ngư dân trên biển đặc biệt là khi hiện nay ta đã có Cục Kiểm ngư. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải bảo vệ người nuôi, tận dụng lực lượng triển khai VietGAP. Vấn đề này phải thực hiện nhanh hơn nữa, nhưng không được ẩu. Tuyệt đối không xếp ngang hàng với các chứng nhận khác như ASC, MSC, GlobalGAP… đặc biệt trong các văn bản từ Bộ trở xuống. Nhanh chóng ban hành nghị định về vấn đề này, vì hiện nay người dân phải áp dụng không biết bao nhiêu chứng nhận, chúng ta chỉ sử dụng VietGAP, giống Thái Lan chỉ có ThaiGAP.