Năm 2012 kết thúc với ngành nuôi tôm nước lợ tiếp tục bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề. Nỗi lo dịch bệnh đang nguyên vẹn chuyển sang năm 2013 vì cho đến bây giờ, chưa tìm được nguyên nhân. Nên lúc này, lắng nghe tiếng nói của người nuôi tôm để chia sẻ và tìm giải pháp hỗ trợ trong năm mới là cần thiết. Tiếng nói của người nuôi tôm huyện Trần Đề, vùng nuôi tôm công nghiệp lớn của Sóc Trăng và cả ĐBSCL.
Ông Diệp Thành Nhơn ở xã Trung Bình nói: “Công tác khuyến ngư cần chuyên sâu, thực tế và khoa học hơn”. Ông Nhơn giải thích, nuôi tôm vẫn gặp khó khăn từ con giống đến môi trường nên rủi ra rất cao. Cần công tác khuyến ngư giúp hạn chế rủi ro bằng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình nuôi mới, kinh nghiệm thành công. Bên cạnh, thông tin kịp thời và chính xác về thời tiết, môi trường, những chất cấm, những chất được khuyến khích dùng trong nuôi tôm.
Ông Huỳnh Hải Vân ở xã Liêu Tú đề xuất: “Cần có hệ thống trữ nước ngọt để hạ độ mặn trong nuôi tôm”. Ông Vân cho biết, năm 2012, nhiều hộ nuôi tôm thành công nhờ có nước ngọt dự trữ để điều hòa độ mặn ao nuôi hợp lý. Vấn đề khá mới, cần nghiên cứu để đưa ra quy trình, nhưng trước tiên cần xây dựng hệ thống dự trữ nước ngọt bên cạnh hệ thống cung cấp nước mặn để người nuôi chủ động sử dụng.
Vốn cho nuôi tôm vẫn là vấn đề bức xúc lớn và Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh Nguyễn Văn Nhiệm tái khẳng định điều này. Hiệp hội tôm Mỹ Thanh gồm những người nuôi tôm kỹ thuật cao ở vùng ven biển Mỹ Thanh (Sóc Trăng). Hồi tháng 10/2012, khi Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII của tỉnh Sóc Trăng đi dự kỳ họp thứ Tư, Hiệp hội đã gửi một lá thư “khẩn cầu” để mang ra Hà Nội. Thư đề nghị, con tôm được giãn nợ vay cũ 24 tháng, cho vay mới với lãi suất 11% như đối với cá tra trong Công văn 1149 ngày 18/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nhiệm nói: “Nếu không được lùi thời gian trả nợ (gốc lẫn lãi) và cho vay tiếp thì người nuôi tôm khó có khả năng nuôi tôm theo kế hoạch năm 2013”.
Ngày 12/12/2012, tại cuộc họp triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2012 tổ chức ở Bến Tre, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, Tổng cục Thuỷ sản phải lắng nghe ý kiến của người nuôi tôm để có giải pháp giúp bà con giảm tổn thất. Một số việc được Bộ trưởng chỉ đạo cụ thể: làm rõ những quy trình khoa học giúp người nuôi đạt hiệu quả, tăng cường kiểm soát chất lượng tôm giống, quản lý chế phẩm sinh học vì 95% chế phẩm sinh học không đạt quy chuẩn. Về vốn cho nuôi tôm, Bộ trưởng nói: “Năm 2013 con tôm là mặt hàng được ưu tiên vốn”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, để giúp đỡ người nuôi tôm đạt hiệu quả thì cán bộ chuyên môn phải về cơ sở trực tiếp với bà con tháo gỡ từng khó khăn cụ thể. Đó cũng chính là sự lắng nghe người nuôi tôm thiết thực nhất.