Toàn cảnh năm 2012: Rầu lòng nghe cá quẫy…

Chưa có đánh giá về bài viết

Suốt năm, tháng nào cũng ít tín hiệu vui, nhiều nỗi lo. Chính phủ đã chỉ đích danh cá tra để ứng cứu; nhưng “nguồn sữa” hỗ trợ chưa thực sự tới nơi đang “khát”. Nghe cá quẫy, doanh nghiệp và người nuôi thêm rầu lòng.

Giá giảm, thị trường trầm lắng

Đến nay giá cá tra nguyên liệu vẫn dậm chân tại chỗ hoặc có tăng cũng không đáng kể. Sau thời điểm giá cá tra nguyên liệu đạt 28.500 – 29.000 đồng/kg, thậm chí có lúc 29.500 đồng/kg, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu giảm liên tục, khiến người nuôi lỗ 3.000 – 5.000 đồng/kg, hàng loạt ao nuôi cá tra bị “treo” (hiện có khoảng 40% diện tích nuôi bỏ trống).

Giá cá tra nguyên liệu hiện vẫn dậm chân tại chỗ hoặc tăng không đáng kể khiến người nuôi thua lỗ – Ảnh: Duy Khương

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ), giá bán này kéo dài dần dần sẽ triệt tiêu các hộ nuôi nhỏ lẻ. Có chăng chỉ còn những hộ nuôi gia công cho doanh nghiệp, nhưng năm nay doanh nghiệp cũng đang quá khó nên người nuôi chưa biết bấu víu vào đâu.

Các doanh nghiệp cho rằng, sở dĩ có sự sụt giảm này là do tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang bị chững, doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng. Mặt khác, nguồn vốn eo hẹp do tín dụng thắt chặt đã khiến các doanh nghiệp gặp khó và đương nhiên họ ưu tiên sử dụng trước cá tự nuôi thay vì thu mua trong dân.

Theo dự báo của VASEP, giá cả và sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU khó phục hồi trong 2 tháng cuối năm, thậm chí tiếp tục giảm so cùng kỳ năm ngoái.

 Khó khăn trong quý III được “thừa hưởng” từ quý II như thiếu vốn, xuất khẩu giảm chưa được giải quyết triệt để và tồn tại sang quý IV. Dự kiến xuất khẩu cá tra quý IV đạt khoảng 470 triệu USD, tăng trên 7% so với quý III. Dù có tăng trưởng nhưng đây không phải tín hiệu mừng, vì hiện nay, dưới sức ép về vốn của ngân hàng, đã có dấu hiệu bán tháo thu hồi vốn của một số doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp điêu đứng

>>  Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cá tra Việt Nam đang “một mình một chợ” nhưng để mất lợi thế là do tổ chức sản xuất chưa tốt; các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh lẫn nhau không lành mạnh. Do đó, sắp tới Bộ sẽ tổ chức lại hoạt động xuất khẩu; tổ chức khâu sản xuất nguyên liệu, gắn chế biến liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật nuôi để hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương dự đoán, đến nay đã hơn nửa số nhà máy cá tra phải đóng cửa, số còn lại hoạt động với 40 – 50% công suất. Việc sụt giảm này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ việc doanh nghiệp thiếu vốn mua cá đến tình trạng một số doanh nghiệp nợ kéo dài nên nhiều hộ nuôi cá yêu cầu thanh toán tiền mặt ngay đã khiến các nhà máy đều thiếu cá phải hoạt động cầm chừng. Điển hình như tại Cần Thơ, toàn thành phố có hơn 10 nhà máy chế biến cá tra với công suất khoảng 1.200 tấn/ngày, nhưng thời điểm này sản xuất chưa được 300 tấn/ngày. Tình trạng này còn kéo theo việc đóng cửa hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn thủy sản. Cũng theo ông Minh, hiện có đến 70% nhà máy chế biến thức ăn cho cá tra gặp khó khăn, trong đó trên 40% đóng cửa.

 

“Van tín dụng” quá hẹp

Lãi suất ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành cá tra, nhưng việc tăng liên tục trong những năm qua vẫn khiến người nuôi lao đao. Năm 2007, lãi suất chiếm 4% giá thành cá tra, khoảng 500 đồng trong mức 13.000 đồng/kg; nhưng từ năm 2011 đến nay, lãi suất ngân hàng đã lên 8,1%, tới 1.880 đồng/kg. Như vậy, trung bình hàng năm, lãi suất ngân hàng đã tăng 4,4%/năm.

Hơn nữa, theo nhiều doanh nghiệp, việc ngân hàng siết chặt tín dụng từ đầu năm đến nay đã khiến khó khăn càng chồng chất. Nhiều người lo ngại, bên cạnh việc thiếu nguyên liệu cho chế biến thì bong bóng nợ mới thật sự là mối đe dọa ngành chế biến cá tra. Trong khi đó, ngân hàng lại mạnh tay thu hồi vốn, nhất là với người nuôi và doanh nghiệp gặp khó. Các chuyên gia thủy sản cho rằng, đây là điều nguy hiểm nhất đối với ngành cá tra và có khả năng xảy ra hiện tượng đổ vỡ dây chuyền nếu ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng như hiện nay.

Nghe cá quẫy, doanh nghiệp và người nuôi thêm rầu lòng – Ảnh: Phan Thanh Cường  

Trước tình hình khó khăn của ngành cá tra, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Chính phủ có hỗ trợ, trong đó đề xuất dành 9.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra, nhưng đến nay chưa thấy kết quả.

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với các khoản đã vay cho  nông dân; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp (11%/năm) cho chế biến và xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để vay được vốn không dễ, doanh nghiệp và người nuôi phải có tài sản thế chấp, chứng minh được phương án kinh doanh hiệu quả. Yêu cầu này là rất khó trong bối cảnh xuất khẩu ảm đạm. Và thực tế mặc dù là lãi suất ưu đãi nhưng mức 11% vẫn quá cao trong tình hình hiện nay.

(Nguồn: Vasep)

Theo nhiều doanh nghiệp, để giải quyết khó khăn hiện tại, ngân hàng cần hỗ trợ tích cực, không nên rút vốn hoặc nếu rút vốn thì cần có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, tránh trường hợp doanh nghiệp bị đối tác nước ngoài “đục nước béo cò”.

>>  Quý III/2012, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 438,6 triệu USD, tăng 2,4% so với quý II, nhưng giảm 10% so cùng kỳ năm 2011. Dự báo, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam quý IV sẽ đạt khoảng 470 triệu USD, tăng trên 7% so với quý III, đưa tổng sản lượng xuất khẩu cả năm lên gần 1,8 tỷ USD, tương đương năm 2011.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!