(TSVN) – Được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1852 , tôm Herlequin có màu sắc quyến rũ, vẻ ngoài hấp dẫn, chúng được coi là “sát thủ” của sao biển dưới rạn san hô bởi khả năng tiêu diệt con mồi lớn hơn cơ thể chúng rất nhiều.
Tôm Herlequin có danh pháp khoa học là Hymenocera figa, chúng là loài tôm nước mặn được tìm thấy tại các rạn san hô ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhiệt độ môi trường ưa thích của chúng là từ 22 – 25oC.
Cơ thể của tôm Herlequin chỉ dài khoảng 5 cm. Loài tôm này thường sống thành từng cặp một đực, một cái. Con đực thường nhỏ hơn con cái một chút. Trên đầu của tôm có 2 chiếc càng rất lớn, nhưng không sử dụng để săn mồi.
Chúng có thân màu trắng với những đốm lớn màu xanh nhạt. Một số nhà nghiên cứu chia tôm Herlequin thành 2 loài là H. colla và H. elegans.
Loài H. colla sống chủ yếu ở trung tâm và phía Đông biển Thái Bình Dương, cơ thể chúng có các đốm màu tím hồng đậm với viền màu vàng.
Loài H. elegans sống ở Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương, cơ thể có các đốm màu nâu hơn và có cạnh màu xanh lam.
Thức ăn của chúng chủ yếu là sao biển, kể cả sao biển gai. Thông thường chúng thích ăn những con sao biển nhỏ và ít di chuyển. Tuy nhiên, do các loài sao biển nhỏ ít dinh dưỡng, nên tôm Herlequin còn tấn công cả sao biển Acanthaster (loài sao biển lớn thứ nhì thế giới, sau loài sao biển hoa hướng dương).
Tập tính ăn của tôm Herlequin được cho là “man rợn” vì chúng tấn công sao biển và ăn các mô mềm, chân ống của sao biển từ từ, chậm rãi. Những con sao biển bị tấn công sẽ phải chịu đau đớn trong khoảng vài tuần, thậm chí là vài tháng. Một số con tôm Harlequin còn cho con mồi ăn để tái tạo các bộ phận bị tổn thương, kéo dài tuổi thọ. Do đó, một con sao biển bị bắt có thể duy trì nguồn thức ăn cho cặp tôm Harlequin trong một thời gian dài. Vì vậy, loài tôm Harlequin cũng không phải mối nguy hại cho sao biển dưới rạn san hô.
Tôm Harlequin cái sẽ sinh sản sau khi lột xác. Trong một mùa sinh sản, một con cái có thể đẻ từ 100 đến 5.000 trứng. Dù số lượng sinh sản lớn, nhưng với vẻ đẹp của loài tôm này, nguy cơ tuyệt chủng là rất cao bởi việc con người khai thác để làm cảnh đang ngày càng nhiều. Ngoài ra, do các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người cũng làm môi trường ô nhiễm, tổn hại đến các rạn san hô, nguy cơ mất môi trường sống của tôm.