Tiềm năng cá cảnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Không giống như nuôi cá thương phẩm, nghề nuôi cá cảnh mang lại giá trị rất lớn nếu được đầu tư bài bản.

Tiềm năng lớn

Mấy năm trở lại đây, nghề nuôi cá cảnh đã đang từng bước phát triển, đặc biệt là khu vực phía Nam. Theo số liệu của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của thành phố năm 2011 đạt 12 triệu USD/8,86 triệu con. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng cá cảnh đã đạt 36 triệu con, tăng 9% so với cùng kỳ 2011 và đạt 52,2% kế hoạch, trong đó lượng cá xuất khẩu qua kiểm dịch là 4,5 triệu con, tăng 12,5% so cùng kỳ.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 500 hộ nuôi cá cảnh các loại, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 – 40 triệu con. Khoảng 600 cơ sở, đại lý kinh doanh cá cảnh phân bố rải rác tại các quận của thành phố. Các tỉnh khác như Tiền Giang cũng có phát triển nghề nuôi cá cảnh như huyện Cái Bè, có hộ thu nhập bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/tháng từ nghề nuôi cá cảnh.

Cá rồng, 1 loại cá cảnh có giá trị kinh tế cao

Các tỉnh phía Nam nước ta có nhiều lợi thế về thời tiết và điều kiện tự nhiên để phát triển nghề nuôi cá cảnh (cá cảnh nước ngọt, cá cảnh biển). Tuy nhiên, việc đầu tư vẫn còn mang tính tự phát nên chưa phát huy được những tiềm năng của nghề này.

 

Cần có chiến lược phát triển

Hiện nay, những các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá cảnh ở nước ta vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, làm ăn riêng lẻ như tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, sản xuất chủ yếu là theo kinh nghiệm, thiếu sự đầu tư (đặc biệt là về KHKT), các sản phẩm cá chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng. Trong số hàng trăm cơ sở, cửa hàng sản xuất kinh doanh cá cảnh thì chỉ có khoảng vài cơ sở là có khả năng xuất khẩu với quy mô tương đối lớn và ổn định.

Tuy nhiên, để cá cảnh có thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhất là với thị trường chính là Mỹ và EU thì cá cảnh xuất khẩu phải đạt một số yêu cầu từ thị trường, trong đó có vấn đề kiểm soát an toàn dịch bệnh đặc biệt là dịch bệnh do virus trên cá chép, cá vàng của Việt Nam, đây cũng là 2 đối tượng có giá trị, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu.

Để làm được những việc đó thì cần phải có chiến lược “dài hơi” cho nghề sản xuất cá cảnh như xây dựng các vùng nuôi xuất khẩu tập trung, quy hoạch các vùng nuôi, đẩy mạnh nghiên cứu lai tạo, sản xuất nhiều giống cá cảnh có giá trị xuất khẩu… Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ nguồn lợi cá cảnh biển có giá trị đang bị khai thác như cá hoàng đế, cá ngựa, cá rồng biển… bởi đặc trưng của những loài cá cảnh biển là sức sinh sản thấp, khó sinh sản nhân tạo nên nguy cơ đe dọa các loài này là rất lớn.

>> Năm 2011, Viện Hải dương học Nha Trang cho sinh sản nhân tạo thành công và sản xuất giống của 6 loài cá cảnh, bao gồm 3 loài cá biển (cá khoang cổ nemo, cá ngựa vằn, cá thia đồng tiền) và 3 loài cá nước ngọt (cá dĩa, cá neon và cá chép Koi).

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!