Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa…
Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm
Kỳ 5: Những mảnh đời trên sóng
Bến vọng phu
Chọn đời làm đá vọng phu
Dõi chồng đi biển mịt mù bão dông
Đón bác cả Chung là bà vợ có cái bụng đã to vượt mặt, bác tuổi Dậu, vợ tuổi Tuất, khắc khẩu theo cái hướng vợ luôn đúng. Ba lần sinh trước bác đều ở biển, lần này chắc cũng thế. Chuyến đi biển mang về cho 4 mẹ con 1,4 triệu đồng, sống cả tháng và cả kỳ sinh nở sắp tới. Đón chồng đón cả khách đến chơi mà chị vợ mặt buồn rười rượi, chị cũng già xọm như chồng. Đời làm vợ ngư dân được mấy ngày vui. Suốt đời nơm nớp lo, suốt đời thiếu. Cả khi ông sắm con tàu làm chủ thì chị cũng không được ngày sung sướng như “bà chủ”. Đầu tắt, mặt tối lo sắm sửa cho chồng đi biển, biển về lại lo tính toán trả nợ đậy đóng tàu. Chỗ này trả, chỗ kia réo. Rồi biển đói, vẫn phải lo chạy dầu, chạy đá cho chồng ra khơi, không đi lấy gì trả nợ, mà càng đi càng nặng nợ. Bán thuyền, đã mong ông ấy ở nhà mà rồi ông ấy lại đi, lại ra biển, thỉnh thoảng về làm… khách trọ ở nhà. Về đôi ngày cho chó không quên hơi chủ, con không quên mặt cha, vợ không quên hơi chồng.
Thuyền trưởng Phan Văn Giành cúng cầu yên trước giờ ra khơi
Vợ anh Giành “bà chủ tàu” Trương Thị Điệp cũng không hơn gì các bà vợ khác. Hơn một tí là “được” làm bữa cơm mời anh em khi tàu về bến. Ước mong lớn nhất của chị là chồng nghỉ đi biển ở nhà “làm gì cũng được” để chị không phải sợ run lên mỗi khi nghe tin bão, tin “tàu lạ”. Mong là thế, nhưng cũng có thể rồi sẽ thêm một mối lo, cậu con trai 14 tuổi đợt này có khi phải nghỉ học “nối nghiệp bố”, ngày xưa anh Giành 15 tuổi cũng bắt đầu đi biển. Anh Giành về đến nhà đã xâm xẩm tối, sáng mai chưa tỏ mặt người lại hấp tấp ra tàu cân cá rồi sửa máy tàu, rồi đóng dầu, đóng đá… chuẩn bị lại đi. Đến bữa cơm liên hoan cũng vào buổi tối, chị Điệp đùa “chẳng nhìn rõ mặt ông ấy”. Được 4 tối ở nhà là tàu lại ra khơi, cố nhanh thêm hai chuyến biển nữa phải nghỉ mùa bão. Anh hẹn như Ngưu Lang: Sau mưa ngâu tha hồ gặp, cả 3 tháng liền, lúc ấy lại mong đuổi nhanh “ông khách trọ” ra biển, không ra cả nhà lại đói.
Mấy chị vợ tôi gặp không thấy ai mơ được giàu có, chỉ mong con đủ ăn và nhất là chồng không phải đi biển. Mong là thế nhưng có dễ đâu được thế, chuyện ăn trong các gia đình ngư dân vẫn là chuyện hàng đầu. Thiếu ăn lẽ dĩ nhiên rồi thất học, rồi nối nghiệp cha ra biển, không muốn cũng đành. Cũng như cái sự mong chồng đừng phải đi biển vậy, viển vông lắm. Đành ôm con làm kiếp vọng phu, dõi theo chồng trong mịt mù sóng gió.
Cần câu nào cho người câu cá
Mỗi lần giá xăng dầu lên cánh báo chí chúng ta lại thắc thỏm “giá xăng dầu lên… ngư dân…”. Rồi cũng ổn thôi, giá cá sẽ chầm chậm nhích lên cho tiệm cận với giá dầu, cũng phải đủ cho người ta còn nổ máy ra biển chứ. Họ mà nằm bờ thương lái buồn, các cơ sở chế biến buồn, các nhà hàng buồn… bao thứ buồn. Đường đi từ cảng đến chợ cũng dài và lắm gian chuân, đành rằng thế, nhưng cứ thấy băn khoăn, “miếng bánh” dành cho ngư dân bé quá. Con tàu của chúng tôi đi và mọi con tàu khác hầu như không có chỗ ngủ, nếu có được nó thì cầm chắc cái lỗ cho chủ tàu, cho bạn thuyền. Để bố có chỗ ngủ tàm tạm trên biển, liệu con có miếng ăn không? Con tàu ốm vật vã lao ra biển khơi thuyền trưởng Giành có biết không, anh em có biết không? Dĩ nhiên là biết. Sao không sửa sớm hơn đi? Cái đó chúng ta cũng biết, vì cái sự thiếu tiền. Mỗi lần bão một lần khắc khoải, rồi thương xa xa cho những mất mát khủng khiếp không đáng có. Chiếc cần câu đầu tiên ngư dân cần, có lẽ là xin những người trên bờ chia thêm phần cho họ trong chiếc bánh chung có từ con cá.
Ngư dân tàu PY 90479 TS được các chiến sĩ bộ đội trên đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) hỗ trợ nước ngọt
Sắp về đến bờ, tôi mở ba lô, thấy mấy đồng tiền, bất giác reo “ơ tiền”, rồi tự ngơ ngác với mình. Một tháng không tiêu tiền, một tháng không điện thoại, không báo, không… cả trăm thứ. Tự hỏi trên bờ bây giờ thế nào nhỉ? Anh em trên tàu không có cái ngơ ngác như tôi, họ đã quen cái cảnh sống trên biển, cách ly với bờ từ khi còn nhỏ. Đường ra biển không phải là đường đến trường, học cái nghề đi biển tuần tự từ nấu ăn trên tàu, cứ thế rồi truyền nhau. Cái động cơ đã thay cánh buồm và mái chèo, những vàng lưới, vàng câu đã thay đổi nhiều, hiện đại hơn, thêm nhiều thứ nhưng anh ngư dân thì hình như vẫn vậy: Gầy, đen, cầy cỏi, một đời với niềm tin rất lành vào Bà, Cậu. Trong số hàng chục vạn ngư dân sống trên biển có mấy người thành chuyên viên nghề cá nhỉ? Cả nước liệu có anh ngư dân nào học lên thành kỹ sư không? Thật buồn khi nghe anh ngư dân nói “học hết lớp 12 đi biển chi cho phí”. Chế độ khuyến học cho con em ngư dân để có lớp ngư dân có học vấn, không phải ra biển từ tuổi còn thơ như cha anh, thực sự là chiếc cần câu cho những người câu cá ngày mai trên biển khơi.
Đã hơn 1 năm rồi mà tôi vẫn nhớ cái rùng mình ớn lạnh trong đêm 22/6 trên vùng biển Bắc Trường Sa, khi nghe tiếng máy bay quần thảo trên đầu. Cái “bóng ma” ấy quần trên đầu chúng tôi 3 vòng liền, mỗi vòng lại siết chặt lại có lúc chỉ cách chúng tôi chừng 100 mét. Chúng tôi bàn nhau, hay tắt đèn trên tàu, rồi lại thôi, anh em dưới thúng trông về ánh đèn của tàu mẹ mà yên tâm, tắt đèn đi sao được. Cái bóng ma ấy qua đi nhưng nỗi sợ về nó thì để lại, không ai nói ra mà đều như thắc thỏm, sau nó sẽ là cái gì…? Một chiếc tàu chiến, chiếc ca nô vũ trang, hay bất kỳ cái gì đó cũng đều liên quan trực tiếp đến mạng sống của những người trên tàu. Trong chuyến đi, đây là lần thứ hai tàu chúng tôi gặp máy bay quần đảo, lần đầu trước đó 11 ngày ở phía Nam Trường Sa, hôm đó giữa thanh thiên bạch nhật, dẫu sao cũng thấy… đàng hoàng hơn. Anh em trên tàu kể, nhiều lần trong đêm bị tàu nước ngoài áp sát, chiếu đèn pha sáng rực, quần đi quần lại, thuyền trưởng Phan Văn Giành bảo “lần đầu cũng sợ, riết rồi quen, kệ nó”. Nói là kệ, nhưng thực ra sao mà quên cho được, nhất là thỉnh thoảng lại có tàu cá bị “tàu lạ” đâm chìm.
Bảo vệ ngư dân, giữ cho “biển yên” cũng là chiếc “cần câu” lớn cho người đi biển.