T2, 06/07/2020 10:07

Săn cá ngừ mùa biển động – Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm

Chưa có đánh giá về bài viết

Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa.

Kỳ 1: Ngàn dặm khơi

Trái đất nóng lên, biển thêm nhiều dông bão, ngoài bão dông của biển, tàu cá của ta còn chịu thêm nạn “tàu lạ” tấn công, gần đây nữa cả “máy bay lạ” quần đảo sát xuống đầu ngư dân.  

Đèn đom đóm trên sóng

Tối 10/6, ngày thứ 3 của chuyến đi, tàu chúng tôi đến tọa độ 8,5 vĩ độ Bắc, 112,2 kinh độ Đông, gần đến vùng biển dự kiến câu ngừ, thuyền trưởng Giành quyết định thả thúng câu mực, lấy mồi cho mẻ câu đầu tiên. Biển động, sóng đến cấp 4 – 5, không ít ánh mắt thuyền viên e ngại nhưng không ai lên tiếng phản đối quyết định của thuyền trưởng. Chiều qua đã nhận được tin ATNĐ trên biển Thái Bình Dương, sáng nay có tin ATNĐ đã thành bão, sắp vượt qua Philipine để đổ bộ vào Biển Đông, 2-3 ngày tới có khả năng biển sẽ động mạnh hơn. Bủa câu ngừ thì có thể nhưng thả thúng câu mực chắc là không. Tranh thủ chừng 3 giờ xuống thúng có thể lợi được 2-3 ngày của chuyến đi.

Mẻ mực đầu tiên đêm 10/6 làm mồi câu được 9 chú cá ngừ

Sáu chiếc thúng câu lần lượt rời tàu mẹ lao vụt vào biển đêm. Ánh đèn 6W trên mỗi chiếc thúng câu bé bằng ngón tay, lập lòe như đom đóm giữa trời biển đen kịt chỉ chiếu một khoảng chừng vài mét, đủ để thấy chiếc thúng nâu vàng loạng choạng trong màn đêm. Vài nhịp sóng cái bóng ấy đã chìm đi, rồi lại nhấp nhô tít tắp, như ánh lân tinh đôi lúc lóe lên trên sóng. Nhìn những chiếc thúng câu chìm đi trong đêm cứ có cái cảm giác như họ lặn vào vô định, không về.

Thả thúng xong tàu cũng tắt máy để thả trôi, bám theo nhịp trôi của thúng câu. Bớt được cái rung của máy tàu thì chịu thêm cái lắc của sóng, ngả nghiêng đến ngồi cũng không vững. Nghĩ đến 6 anh em trên thúng câu mà muốn rùng mình. Thuyền trưởng Giành và 3 anh em ở lại tàu cũng đứng ngồi không yên, không nói nhưng tôi biết anh em cũng rất lo. Thêm cái cảm giác như có lỗi, có lỗi với những người xuống thúng, quăng mình vào biển đêm còn mình được ở lại tàu. Thúng nhẹ gió đẩy nhanh hơn tàu, cứ chừng 1 giờ anh Giành lại phải nổ máy để tàu đuổi theo những đốm sáng lập lòe, 3 giờ câu mỗi chiếc thúng trôi xa đến hơn 15 km. 10 giờ đêm tàu bắt đầu chạy đi vớt thúng, cũng mất hơn 30 phút mới gom đủ thúng lên thuyền. Kéo xong thúng lên tàu chừng 10 phút thì dông nổi lên, hú vía. Cả 6 thuyền viên ướt nhẹp, đen nhẻm vì bị những túi mực bắn lên khắp người, nhìn như những bóng ma từ dưới biển chui lên. Cái cảnh ấy thấy thương anh em đến thắt lòng mà cũng không khỏi bật cười. Đêm câu thành công ngoài mong đợi, được hơn 200 kg mực, đủ cho 2 mẻ câu ngừ. Những ngày sau biển động rất mạnh không thể thả thúng được, các thuyền viên chia nhau ngồi quanh thuyền câu thêm mực, thành đủ mồi cho 3 mẻ câu. Cuối chuyến đi nhìn lại thấy thật may vì cái quyết định có phần mạo hiểm của thuyền trưởng Giành. Chỗ mực đêm ấy câu được tới 9 con cá ngừ trước khi đến chuỗi ngày dài không được chú cá nào. Số cá này cũng giúp cho chuyến đi không rơi vào thảm cảnh lỗ.

 

Xuống thúng

Một ngày gần cuối của chuyến đi tôi cũng được bác cả Trần văn Chung thành viên cao tuổi nhất trên tàu đồng ý cho cùng xuống thúng rời tàu đi câu mực. Ông Chung tuổi Dậu, hôm mới xuống tàu nghe nói tuổi con gà, thấy ông sạm đen, quắt queo, lọm khọm tôi nghĩ ông năm nay 54 tuổi, cứ một bác cả, hai bác cả, té ra nhầm có… một giáp, chú “bác cả” ấy mới 42 tuổi. Cuộc đời ông cũng chập chờn như sóng biển. Ra biển từ khi 14 tuổi, đã có lúc ông có tiền đóng được con tàu câu ngừ, rồi cái số không được làm chủ lên gặp ngay mấy năm liền biển đói, trụ được 3 năm đến 2008 thì phải bán trả nợ đậy cho những chuyến biển lỗ. Bán tàu, chán biển lắm rồi, quyết lên bờ. Đường trên bờ không có sóng nhưng còn chông chênh hơn dưới biển, nhất là với những người như ông, luôn lơ ngơ giữa rừng người. Lại phải về với biển, không làm chủ thì đi bạn, có lần ông bảo với tôi: “mình là người của biển rồi, chọn đời với biển thôi, biết đâu Bà, Cậu thương đến”. 

 

Xuống thúng rồi, sóng hất cho vài cái, trong cái tròng chành như bất định của chiếc thúng câu mới nhìn lại con tàu. Nó không giống chiếc lá tre trên sóng như tôi từng nghĩ mà thật to, thật vững, thú thực hơi hối hận với quyết định xuống thúng. Ngọn đèn đom đóm chỉ soi đủ để thấy con sóng trước khi nó giật chiếc thúng. Hình như chính ánh đèn ấy làm cho đêm như đen hơn. Bên cạnh tôi mặc cho sóng bác cả Chung bắt đầu buông câu và ngay lập tức kéo lên chú mực đầu tiên, khá to, cỡ 300gam. Theo phản xạ tôi giơ máy ảnh lên chụp để rồi nhận chọn một vòi nước xịt thẳng vào ống kính, muốn gầm lên với con mực tai ác mà không được.

Bác cả Chung hỏi tôi có sợ không? Tôi cũng thú thực rằng có, ông bật cười rồi cũng bảo: “gần 30 năm đi biển rồi mà mỗi lần xuống thúng câu tôi vẫn thấy trờn trợn, anh em cũng thế, có điều không ai nói ra”. Xuống thúng sợ nhất là dông, lốc bất chợt, với ngư dân thúng có lật xuống biển, có cái can làm phao không sợ chết đuối mà sợ… cá. Cá biển khơi đâu có biết sợ người, vùng có cá ngừ cũng sẽ có cá mập, cá nhà táng. Kể cả mực, cái giống ấy phàm ăn kinh khủng, sẵn sàng bấu lấy người mà rỉa ngay. Trong chuyến câu không ít lần kéo con cá mắc câu lên thấy lỗ chỗ những vết thủng tròn xoe đút vừa cái chén uống nước, ấy là “chiến tích” của mực. Còn cá mập hai lần tôi được chứng kiến, một lần nó cướp sống con cá ngay trước mắt anh em, lần thứ hai nó kém may, chỉ được khúc đuôi và để lại những vệt rách như dao lam cứa trên con cá.

Nỗi sợ thứ hai là tàu mẹ chết máy. Giữa biển đêm có gọi nhờ tàu bạn đến đón thúng giúp cũng mất vài giờ, có khi thúng đã trôi tứ tán đến mấy chục cây số. Chuyện chết máy khi đã thả thúng tôi cũng được chứng kiến tối 22/6. Thúng câu thả xuống rồi thì máy hỏng, vỡ một bên lá cách bơm cao áp, ba anh em tôi phải tháo lá kia ra, tách làm đôi, cắt tôn dán phụ thêm vào chạy tạm, đêm ấy gần nửa đêm mới đi vớt thúng được. Máy trên tàu thỉnh thoảng lại hỏng, đêm nay thêm cái đận bộ đàm hỏng, nếu chết máy không biết sẽ ra sao?

Rồi cũng thấy tàu mẹ nổ máy phình phình đi đón thúng, tất nhiên thúng chở nhà báo được ưu tiên đón trước.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!