Giá nhiên liệu tăng vọt đợt tháng 10/2021 đã đẩy chi phí khai thác, đánh bắt thủy sản (TS) lên cao. Hiện tại, nhiều người làm nghề đánh bắt TS đang gặp khó khăn, nhất là trong thời điểm đang xảy ra dịch Covid-19. Chi phí khai thác cao, sản phẩm bán không được giá, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro khác từ bạn đi biển là nỗi lo chung của nhiều chủ tàu.
Ông Tư Sang – chủ tàu đánh cá hiệu ML, ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại chia sẻ: “Mỗi chuyến tàu ra khơi khoảng 3 tháng mới về bến. Trung bình, chi phí mỗi ngày cho cặp cào đôi có công suất 1.000 CV/chiếc hoạt động khoảng 40 triệu đồng. Đối với tàu nằm không thì khoảng 3 triệu đồng/ngày. Năm nay, giá nhiên liệu tăng nhưng giá bán sản phẩm lại tụt xuống. Quá trình khai thác, nếu không gặp trở ngại về máy móc hay sự cố gì thì ngư dân có lãi chút đỉnh, còn bị trục trặc thì coi như là hòa vốn cho tới lỗ nặng”.
Ông Sang có 2 cặp cào đôi (4 chiếc) với công suất từ 900 – 1.400 CV/chiếc. Mỗi cặp cào đôi (2 chiếc) sử dụng 19 lao động, gồm: 2 tài công và 17 thủy thủ. Bình quân mỗi ngày một cặp cào đôi tiêu thụ 1,4 ngàn lít dầu. Tàu của ông khai thác ngoài khơi, khoảng 20 ngày hoặc 1 tháng có tàu hậu cần tới nơi tiếp tế nhiên liệu. Theo ông Sang, giá dầu ở ngoài khơi cao hơn trong đất liền (bến cảng) khoảng 1.500 đồng/lít. Giá nước đá cây ngoài biển được bán từ 33 – 35 ngàn đồng/cây (khoảng 35 kg/cây), trong khi nước đá tại bến được bán với giá 18 ngàn đồng/cây (khoảng 45 kg/cây).
Chủ tàu đánh cá hiệu TTL – ông Tám Thuần cho biết: “Bình quân, mỗi cặp tàu đánh bắt xa bờ tiêu thụ khoảng 100 – 120 ngàn lít dầu trong thời gian đi biển 3 tháng. Giá dầu tăng đã kéo theo chi phí trượt giá tiền dầu cho mỗi chuyến đi biển khoảng 480 triệu đồng, cộng với các phí trượt giá khác xấp xỉ 600 triệu đồng. Sau chuyến ra khơi, chủ tàu không có lãi nhưng vẫn cố gắng bám biển để sản xuất và “giữ chân” bạn đi biển lâu dài.
Tàu đánh bắt xa bờ xã Bình Thắng, huyện Bình Đại.
Ông Thuần là chủ của 3 cặp cào đôi (6 chiếc) công suất lớn, trong đó có cặp tàu với công suất 1.600 CV/chiếc. Từ đầu năm 2021 đến nay, tàu ông Thuần đã 3 lần ra khơi (mỗi chuyến khoảng 3 tháng). Trong đó, chuyến ra khơi đầu tiên (sau Tết) chủ tàu có lãi ít; chuyến thứ hai (sau tháng 5 âm lịch đến tháng 9 âm lịch) lãi khá; chuyến ra khơi hiện tại (sau tháng 9 âm lịch) các chủ tàu đều gặp khó khăn do dầu lên giá, dịch bệnh và giá sản phẩm giảm mạnh.
“Dầu lên giá nhưng cá, khô làm ra bán không được giá. Thời điểm này năm ngoái, khô mực cân được 700 ngàn đồng/kg, năm nay chỉ bán được 550 ngàn đồng/kg. Cá tươi giá mỗi ký giảm từ 10 – 13%”, ông Thuần cho biết thêm.
Hiện tại, dân làm nghề biển đều cùng chung nỗi lo về giá nhiên liệu tăng, sản phẩm bán ra tuột giá. Người dân làm nghề biển cũng rất lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến sản xuất. Theo phản ánh của một số chủ tàu đánh bắt, trước tình hình khan hiếm bạn đi biển (thủy thủ), chủ tàu rất quan tâm và cho thủy thủ ứng tiền để lo cho gia đình trước khi ra khơi. Tuy nhiên, có một số người sau khi ứng tiền xong (chủ yếu là người ngoài tỉnh) đã tìm cách lẩn trốn, không theo tàu ra khơi mà đi tìm việc làm ở nơi khác. Hoặc cũng đã xảy một số trường hợp thủy thủ không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 và làm ảnh hưởng chung cả tập thể tàu đánh bắt.
Phó chủ tịch UBND xã Bình Thắng (Bình Đại) Phạm Thanh Phong cho hay: “Trong 9 tháng năm 2021, sản lượng đánh bắt TS tại xã ước khoảng 37,25 ngàn tấn tôm, cá các loại, đạt khoảng 49,66% so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng giảm 5.750 tấn. Đa số các tàu ra khơi đều có lãi nhưng không cao. Giá dầu tăng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… đã dẫn đến tiêu thụ sản phẩm chậm.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngư dân xã Bình Thắng vẫn kiên trì bám biển. Đến nay, các tàu cá của xã đều ra khơi đánh bắt, không có tàu ngưng hoạt động. Cảng cá và nậu vựa, nghiệp đoàn bốc xếp vẫn duy trì hoạt động trong trạng thái bình thường mới, gắn với đảm bảo phòng chống dịch, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương.
Hiện tại đang là lúc vào mùa vụ đánh bắt TS. Trong điều kiện giá dầu tăng như hiện nay, người dân làm nghề biển rất mong muốn được các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ.
>> Toàn tỉnh có 3.839 tàu thuyền hoạt động khai thác thủy sản; trong đó có trên 2,1 ngàn tàu đánh bắt xa bờ, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện biển Bình Đại và Ba Tri. Hàng năm, sản lượng khai thác TS của tỉnh bình quân đạt 200 ngàn tấn tôm, cá các loại. Nghề khai thác, đánh bắt TS đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. |
Bài, ảnh: Huỳnh Đức
Nguồn: Báo Đồng Khởi