(TSVN) – Hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) đang phát triển khá mạnh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, cùng với đó là quá trình phát sinh các nguồn chất thải rắn, lỏng, khí gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Những năm qua, việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên – Môi trường cho thấy, nhiều địa phương có môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân được cho là do nhiều nơi, người nuôi còn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi thủy sản. Cụ thể, người dân vẫn dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt giáp xác trong các ao nuôi, sử dụng các chất kháng sinh trong xử lý bệnh cho tôm… Việc làm này không chỉ gây tác động xấu đến môi trường sản xuất mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tình trạng các hộ nuôi và cơ sở nuôi chưa có ý thức trong việc cải tạo ao nuôi, xử lý bùn thải không đúng quy định (một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh nội đồng, hay khi tôm chết cũng thải nước trực tiếp ra các kênh thủy lợi, hoặc xả trực tiếp ra biển). Điều này vừa gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các hộ nuôi khác lấy phải nguồn nước ô nhiễm vào nuôi, vừa gây ô nhiễm trực tiếp cho nguồn nước ngầm, nước mặt và gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường sống cho người dân khu vực xung quanh khu vực.
Chất thải trong NTTS là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản tôm, cá, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn, thành phần chứa H2S, NH3… Các nguồn thải ra sông rạch chưa qua xử lý đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, nitơ, phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép). Có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+, và chỉ số vi sinh Coliforms.
Hơn nữa, vấn nạn khai thác nguồn nước ngầm quá mức ở các khu vực nuôi tôm cũng làm cạn kiệt và gây ô nhiễm nguồn tài nguyên này. Tất cả những bất cập này đã gây tác động xấu đến môi trường trong NTTS và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là làm cạn kiệt, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong điều kiện nguồn tài nguyên nước ngọt đang rất cần cho phát triển sản xuất.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong NTTS, biện pháp quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đối với môi trường và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đó,các chủ cơ sở cần nâng cao ý thức chấp hành, sự hiểu biết của mình về pháp luật quy định trong lĩnh bảo vệ môi trường, về công nghệ nuôi ít gây ảnh hưởng đến môi trường (nuôi luân canh, nuôi kết hợp, sử dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước…), phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm.
Đối với xử lý nước thải và chất thải rắn, tùy thuộc vào điều kiện quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y. Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp công nghệ hợp lý, không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý đạt giá trị của các thông số: pH, BOD, COD, chất rắn lơ lửng, coliform theo quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Ngoài ra, các cấp, ngành, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở NTTS; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở thực hiện các chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi tập trung, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường (nếu có).