(TSVN) – Ngày 2/12, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội thảo “Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hướng tới kinh tế biển xanh”.
Mục tiêu chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình phát triển ngành thủy sản trong kinh tế biển xanh và thực trạng rác thải nhựa trong ngành kinh tế biển này; đề xuất các giải pháp giảm thiểu, thu gom và tái chế rác thải nhựa từ tàu cá; và định hướng các giải pháp can thiệp cụ thể tại cảng cá Quy Nhơn, trong khuôn khổ dự án sắp tới giữa UNDP và tỉnh Bình Định.
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, có tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia có lượng lớn rác nhựa thải ra biển hàng năm. Cả nước có hơn 35.000 tàu cá chiều dài trên 15 m, lượng rác thải nhựa sinh hoạt vào khoảng 5.000 tấn/năm. Cùng với đó là hơn 66.000 tàu cá có chiều dài dưới 15 m, tính toán lượng rác thải nhựa sinh hoạt từ nhóm tàu này vào khoảng 6.000 – 9.000 tấn/năm. Mặc dù các chương trình, mô hình vận động ngư dân thu gom rác thải nhựa đưa vào bờ đã triển khai ở một số địa phương, nhưng lượng rác thải nhựa thực tế được thu gom vẫn rất thấp… Đại diện Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cho hay, vùng nước Âu thuyền ở đây có sức chứa 1.200 tàu thuyền vào neo đậu. Bên cạnh khu vực Âu thuyền và Cảng cá là khu công nghiệp dịch vụ thủy sản gồm hàng chục doanh nghiệp chế biến thủy sản. Lượng rác thải trên các tàu rất lớn, nhưng do thói quen và điều kiện làm việc, sinh hoạt của ngư dân nên rác thải phát sinh trên tàu cá hầu như không được thu gom, xử lý.
Còn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đầu tháng 8/2021 cho thấy, rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển, đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu. Ước tính, hơn 70 – 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền. Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Chỉ tính riêng tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 100% tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải và 100% tàu cá không đưa rác thải vào bờ.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng VIFEP cho biết, trong quá trình sản xuất, ngành thủy sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thủy sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thủy sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng.
Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã liên hệ và hợp tác triển khai “Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” thuộc Dự án “Đại dương không nhựa”. Kết quả, rác thải tàu cá mang về bờ chủ yếu là rác thải nhựa gồm chai lọ, bao nilon, xốp thải… với số lượng khoảng 2 – 3 kg/tàu chiếm khoảng 20% lượng sản phẩm nhựa có phát sinh rác thải khi mang đi biển. Nguyên nhân ngư dân không mang hết rác thải về bờ là do lượng rác phát sinh lớn, cồng kềnh nên trên tàu không có đủ diện tích để chứa.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất một mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa từ tàu cá sẽ được triển khai thí điểm tại cảng cá Quy Nhơn, trong đó bao gồm hỗ trợ kỹ thuật cho phép tàu cá lưu giữ rác thải trong suốt hành trình đi biển, xây dựng các quy định của địa phương; nhằm khuyến khích tàu cá mang rác vào bờ và thiết lập hệ thống thu gom rác tại các cảng cá khi các tàu cập bến. Những rác nhựa này có thể được chuyển đến các cơ sở tái chế vật liệu ở TP Quy Nhơn để tiếp tục được xử lý và tái chế.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam thông tin, thời gian qua, UNDP đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Tổng cục Biển và Hải đảo chịu trách nhiệm thực hiện chương trình này và UNDP tham gia với những mô hình cụ thể, đưa ra những giải pháp thực tiễn để chuyển rác thải vào bờ. Theo đó, để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế, tăng cường, chuyển giao công nghệ, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Hiện nay phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên tái tạo trong vòng tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Vì vậy, rác thải nhựa cần phải được thu gom coi là nguồn tài nguyên cần tái tạo để sử dụng. Ngăn chặn tác động của rác thải nhựa cần sự chung ta từ trung ương đến các địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tập thể cá nhân đang tham gia sản xuất thủy sản.
>> Theo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương và 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. 100% các khu bảo tồn biển không có rác thải nhựa.