(TSVN) – Nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt, Bộ NN&PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp các địa phương xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè trên phạm vi cả nước… Các dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo sản phẩm sạch, an toàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới giúp giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Được biết, Việt Nam đã bắt đầu nuôi thủy sản nước ngọt từ những năm 90 của thế kỷ 20. Từ năm 2010 nghề NTTS nước ngọt phát triển nhanh với nhiều hình thức nuôi khác nhau; cùng đó, các mô hình nuôi cũng được cải tiến phù hợp với điều kiện từng vùng và từng đối tượng nuôi nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Ghi nhận tại tỉnh Hải Dương, đây là địa phương có truyền thống nuôi cá nước ngọt nhiều năm với quy mô lớn, đồng thời có hệ thống sông ngòi dày đặc, chất lượng nước, địa hình bãi sông rất phù hợp để phát triển cá lồng. Nghề nuôi cá lồng phát triển chủ yếu trên sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, trong đó một số nơi có số lượng lồng nuôi lớn như: TP Hải Dương, các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Nam Sách. Đến giữa năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 7.040 lồng nuôi/451 hộ nuôi. Thời gian qua, các loại cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế cao như: chép lai, chép giòn, lăng, nheo Mỹ, ngạnh sông, trắm giòn, diêu hồng, trắm đen, chiên… đã được nhân dân chú trọng phát triển. Ngoài ra, cá tầm cũng được nhân dân bắt đầu đưa vào nghiên cứu và nuôi thử nghiệm.Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ cao, nhiều cơ sở nuôi cũng trang bị hệ thống chăm sóc theo dõi tự động, trích xuất QR code, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều năm nay, cá lồng Hải Dương đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người nuôi và các địa phương.
Ảnh minh họa
Với hệ thống sông Hồng và sông Luộc chảy qua địa bàn sáu huyện, thành phố, chiều dài 90 km, tạo ra tiềm năng rất lớn về diện tích mặt nước để tỉnh Hưng Yên phát triển NTTS. Những năm qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh chủ động đầu tư kinh phí phát triển nuôi cá lồng trên sông đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các đối tượng nuôi lồng khá đa dạng với nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, diêu hồng, ngạnh, trắm, chép giòn… Hết năm 2020, toàn tỉnh có 449 lồng nuôi cá với năng suất đạt từ 4 đến 6 tấn/lồng/chu kỳ nuôi; lợi nhuận từ 30 – 50 triệu đồng/lồng/chu kỳ nuôi; trung bình, mỗi năm, người nuôi có thể thâm canh từ 2 – 2,5 chu kỳ nuôi.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 160 hộ nuôi cá lồng trên sông với số lượng lồng nuôi là 2.267, sản lượng 6.235 tấn, giá trị ước đạt 342 tỷ đồng. Nghề nuôi cá lồng tập trung chính tại các huyện Lương Tài, Gia Bình và Quế Võ, chiếm khoảng hơn 70% số lồng nuôi ở tỉnh. Hiện nay, nuôi cá lồng trên sông đã mở ra hướng đi mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân sinh sống ở các vùng ven sông.
Bên cạnh những lợi thế và giàu tiềm năng phát triển trên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn các địa phương, nghề nuôi cá lồng hiện nay cũng gặp những khó khăn như việc quy hoạch, quản lý còn thiếu đồng bộ; nhiều nơi phát triển mang tính tự phát dẫn đến phá vỡ trong quy hoạch phát triển nuôi lồng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá và chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá các sản phẩm không ổn định; vốn đầu tư lớn, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật.
Như chia sẻ của ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX SX&KD thủy sản Xuyên Việt tại tỉnh Hải Dương, thực trạng cá lồng bè tại địa phương đang phát triển ồ ạt, cần phải thận trọng với tác động của môi trường và lường được thị trường tiêu thụ để tránh tình trạng sản xuất dư thừa.
Cùng với đó, nuôi lồng bè cá thường hay mắc các loại bệnh theo mùa và bệnh phát sinh của các loại cá như: cá nheo Mỹ bị bệnh sưng hầu trong thời gian gần đây, bệnh lồi mắt ở cá rô phi, diêu hồng thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7, bệnh xuất huyết da cá…
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục sẽ kiến nghị, đề xuất, chỉ đạo địa phương thống kê danh mục các cơ sở, lựa chọn một số vùng nuôi trọng điểm để tập trung đầu tư hạ tầng nhằm tạo ra vùng sản xuất. Cùng đó, phối hợp với Viện Nghiên cứu NTTS I và các địa phương kiểm tra hiện trạng đàn cá bố mẹ của các trung tâm giống thủy sản tỉnh và giống thủy sản của tư nhân để xây dựng kế hoạch bổ sung nâng cấp chất lượng đàn cá bố mẹ chuẩn bị cho sản xuất những năm tiếp theo. Ngoài ra, Tổng cục sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai sản xuất giống vụ Đông Xuân, kế hoạch chống rét cho cá bố mẹ và cá giống, kiểm tra chất lượng thủy sản lưu hành trong địa phương, giống thủy sản nhập khẩu qua đường tiểu ngạch…
Theo các chuyên gia, để nghề nuôi cá lồng bè phát triển ổn định cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản, khuyến khích áp người nuôi trồng áp dụng mô hình kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi; tập huấn cho nông dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP để đẩy mạnh phong trào nuôi thủy sản thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản để đưa vào nuôi những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông của người dân; đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, các đối tượng thủy đặc sản như cá lăng chấm, trắm giòn, chép giòn, tầm…
Thông tin tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp trực tuyến: “Phát triển nuôi cá lồng bè bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái ngày 2/12 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở NN&PTNT Hải Dương phối hợp tổ chức; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề xuất các chương trình khuyến ngư nuôi thủy sản nước ngọt như: dự án phát triển nuôi các loại cá rô phi, cá chép, cá điêu hồng trên sông và hồ chưa; dự án phát triển nuôi thủy đặc sản lồng bè như trắm đen, cá chình, cá lăng, cá bỗng, cá chạch, cua đồng, ba ba, ếch, cá ngạnh… và Dự án phát triển nuôi một số loại cá nước lạnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đề xuất Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc công nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi cá lồng bè để sản xuất và nhân rộng; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học để phát triển sản xuất giống thủy sản nước ngọt có chất lượng tốt; tăng cường quan trắc môi trường, dịch bệnh để cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tăng nguồn kinh phí khuyến ngư.