(TSVN) – Năm nay, thời tiết thuận lợi, mô hình tôm càng xanh lúa của nhiều tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… phát triển tốt, cho năng suất cao. Mặc dù, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá tôm sụt giảm nhưng người nuôi vẫn phấn khởi vì có lãi, để đón một cái Tết sung túc, đủ đầy.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 16.300 ha trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, tập trung nhiều nhất ở huyện Thới Bình, với trên 14.000 ha. Năm nay, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nông dân đã chủ động tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, đồng thời kéo giãn thời gian thu hoạch để tránh việc thu hoạch ồ ạt bị thương lái ép giá. So với mọi năm, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất tôm đạt cao, với giá thương lái thu mua loại 30 con/kg từ 95.000 – 105.000 đồng/kg (theo thời điểm) nông dân vẫn có được lợi nhuận từ mô hình.
HTX Dân Phát, ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình hiện có hơn 70 thành viên tham gia, với tổng số 450 ha trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã thu hoạch dứt điểm 100% diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, với năng suất bình quân khoảng trên 300 kg/ha. Ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc HTX cho biết: “Năm nay, ảnh hưởng của tình hình dịch giá tôm càng xanh có sụt giảm đôi chút so với năm ngoái nhưng người nuôi vẫn có lời. Đây là mô hình bền vững mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Không riêng gì tôm càng xanh mà vụ lúa vừa qua cũng cho năng suất cao với hơn 5 tấn/ha, được công ty bao tiêu sản phẩm 7.800 đồng/kg giống ST24, người dân trong HTX rất phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao để đón Tết”.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình thông tin, vụ nuôi tôm càng xanh trên đất lúa năm 2021, toàn huyện đạt sản lượng ước trên 2.200 tấn/14.000 ha; đầu ra tôm càng xanh được đảm bảo khi Sở Công thương tỉnh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC) hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ tôm càng xanh cho nông dân trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Thới Bình nói riêng. Thời gian qua, thương lái đa phần xuất bán tôm càng xanh sang thị trường Campuchia, nhưng hiện tại đã mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai, Cần Thơ… đều có lượng tiêu thụ ổn định. Đây được xem là tín hiệu vui để nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì phát triển bền vững mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh trong thời gian tới.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, năm 2021, toàn huyện An Minh thả nuôi trên 6.000 ha tôm càng xanh, đến nay đã thu hoạch dứt điểm khoảng 80% diện tích, với năng suất bình quân 300 kg/ha. Hiện giá bán khá ổn định, từ 90.000 – 120.000 đồng/kg tùy cỡ, nếu trừ chi phí có thể lợi nhuận trên 25 triệu đồng/ha. Hiệu quả của nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa đã được chứng minh qua thực tế và cũng góp phần đa dạng hóa tôm nuôi ở địa phương. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch nuôi mới, khuyến khích người dân trong vùng quy hoạch tôm lúa tiếp tục thả nuôi kết hợp tôm càng xanh trong lúa, tận dụng ưu thế của mô hình bền vững này. Cùng đó, để phục vụ tốt hơn cho yêu cầu sản xuất, huyện An Minh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh, mương, hoàn thiện các cống, đập ngăn mặn; kiểm soát chặt chẽ con giống, tìm đầu ra cho sản phẩm… để sản xuất của người dân ngày càng chủ động và hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Hoàng Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh chia sẻ, phát huy kết quả đạt được, huyện chủ trương sẽ phấn đấu vụ mùa sau vận động người dân thả nuôi từ 7.000 ha tôm càng xanh trở lên. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện sẽ theo sát và hỗ trợ người nuôi tối đa về kỹ thuật để có 1 vụ mùa mới đạt kết quả cao hơn nữa.
Hiện, trên địa bàn huyện Phước Long và huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu, nông dân cũng đang thu hoạch tôm càng xanh. Giá tôm thời điểm này đã tăng hơn so với thời điểm đầu đợt dịch COVID lần thứ tư. Như tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, hiện, toàn xã có khoảng gần 1.000 ha tôm càng xanh đang bước vào giai đoạn thu hoạch đón Tết, giá tôm ôxy dao động khoảng 120.000 – 130.000 đồng/kg. Với giá này, hầu hết người nuôi đều có lãi.
Ngọc Anh