Những ngày cuối năm, mặc cho biển vẫn động dữ dội vì gió mùa đông bắc, áp thấp, bão chồng lên bão, ngư dân vươn khơi Trường Sa, Hoàng Sa vẫn vào mùa ra biển. Bắt đầu những chuyến đi cả tháng trời của những người đàn ông có nước da sạm đen và bàn tay chai dày làm cái nghề hay đúng hơn là cái nghiệp đi biển. Đã là nghiệp, ai tránh được, nhưng nếu như họ được ước…
Tôi có may mắn được ra khơi nhiều chuyến cùng ngư dân, mỗi chuyến đi một cảm xúc. Có chuyến thật lãng mạn nhưng đa phần là đau nhoi nhói mỗi khi nhớ tới họ, những ngư dân đã cho tôi đi cùng.
Niềm tin Bà, Cậu
Những ngày trên biển, tôi thấy ngư dân kiên nhẫn vật lộn hàng chục ngày trong dông gió tơi bời mà không được con cá nào. Nhìn anh em mà tự hỏi: Không lẽ kiếm con cá lại khó khăn đến vậy ư, làm nghề sống được trên biển lại khốn khổ đến vậy sao? Nhưng với họ thì: “Có gian khổ Bà, Cậu mới thương mà cho”.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng chung của người Việt khắp cả nước, nhưng ở miền Trung nói chung, với ngư dân nói riêng thiêng liêng gấp bội lần. Bà (Mẫu) cùng Cậu (con trai Mẫu) cai quản sông nước, biển khơi. Bà, Cậu không chỉ “cho” mà còn “phạt”, bởi thế ngư dân tâm niệm sống lành, sống tử tế để Bà, Cậu thương. Trên biển hoạn nạn không được bỏ nhau “bỏ nhau lúc hoạn nạn thì mạt rệp”, thiếu niên chưa bước chân xuống tàu cũng biết. Chuyện cá Ông cứu người tôi chưa được nhìn thấy nhưng cá heo (nược, loài cá trong họ cá Ông) vây quanh tàu nhảy lên như báo cho ngư dân trước khi biển động thì tôi đã gặp. Người ta luôn sống thật “lành” để Bà, Cậu đoái thương mà nghe đến lời cầu khấn: Cầu cho trời yên biển lặng.
Mặc sóng to, gió lớn, ngư dân vẫn vươn khơi Trường Sa, Hoàng Sa – Ảnh: Xuân Trường
Ước là vậy, nhưng giờ khí hậu đổi thay, dông gió hơn nhiều, ước mong ấy thật khó quá. Chỉ có cách đóng con thuyền to hơn, vững hơn để an toàn hơn nhưng ấy lại là ước mơ khác, cũng rất khó thành hiện thực.
Ước chi giá cá lên chút đỉnh
Chuyến đi của tôi cùng tàu PY 90479 TS lênh đênh trên biển 29 ngày, câu được 27 chú cá ngừ, mỗi người được chia hơn triệu đồng. Chuyến đi sau của tàu này gặp ngay bão, chờ cả tháng liền vẫn không có tin gì từ con tàu “của mình”, đến ngày thứ 37 nhận được điện của Giành, mừng hí húm để rồi buồn rũ. Chuyến đi 37 ngày trên biển tàu chỉ câu được 10 chú cá, lỗ tiền dầu 30 triệu đồng. Vợ con ở nhà… bốc “bạc nóng” sống qua ngày.
Cá mỗi ngày một ít, có ra biển mới thấy, tàu ken tàu trên biển. Nhớ chuyến ra biển hồi năm 1997, cùng tàu lưới vây ở Kiên Giang tôi còn gặp những bãi cá đen đặc rộng cả cây số vuông. Rồi những “cây cá” như cây nấm khổng lồ tụ dưới những thân gỗ nổi trôi trên biển, cảnh ấy bây giờ bặt hẳn, mà giá cá luôn “tiệm cận” với giá dầu, tính quy đổi vẫn như mười mấy năm về trước, dù giá thủy sản ngoài chợ đã vọt lên rất xa bởi luôn “hiếm hàng” trong cuộc cạnh tranh của nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao, ngay trong nước và xuất khẩu. Phần vọt lên ấy, ngư dân luôn… không biết được. Đường đi của con cá ra chợ, đến bàn ăn, cả ra nước ngoài nữa là của người khác. Những chuyến biển thất triền miên, họ chỉ dám: “Ước chi giá cá nhích lên chút đỉnh”. Nhích lên chút đỉnh để chuyến lỗ thành chuyến hòa, hòa thành lãi, rồi có tiền tu bổ, đóng mới lại con tàu… Thật khó bởi cái quyền chia bánh đâu có nằm trong tay ngư dân. Trong sự giằng co khốc liệt về giá, về nguồn lợi từ con cá, người ta nhớ đến ngư dân… cuối cùng. Cái phần sau chót ấy thật nhỏ, chỉ để họ sống mỏi mòn, đủ sức lại giong thuyền ra khơi.
Học… ra biển chi cho phí
Một lần tôi hỏi anh em thuyền viên: “Trên tàu, trong đội tàu khơi có nhiều người học hết lớp 12 không?”. Mấy thuyền viên ngẩn người nhìn tôi rồi hỏi lại: “Học hết lớp 12 ra biển chi cho phí”. Nghề đi biển như chỉ dành cho những người nghèo và… thất học. Cái vòng luẩn quẩn: nghèo… bỏ học… đi biển… nghèo… như ám mãi vào các làng chài. Trẻ con 12 – 13 tuổi đã mon men ra mép sóng kiếm con cua, con cá rồi cứ thế theo tàu ra biển lúc nào không nhớ nổi. Học cái nghề hay đúng hơn cái nghiệp đi biển từ người đi trước. Ra khơi cũng theo kiểu lần dấu tàu trước, chuyến biển trước, dò sóng tàu bạn xem nơi nào có cá để đến. Đuổi nhau trên biển, không phải theo “đuôi cá” mà là theo tin cá để nhào đến, có khi vượt cả mấy trăm hải lý rồi chưng hửng vì tin sai. Biển Đông nay chật kín những tàu cá, không chỉ tàu cá Việt Nam mà tàu cá của nước ngoài rất đông. Họ hơn ta mọi mặt: trang bị, công nghệ và cả trình độ đánh bắt của ngư dân.
Công nghệ, kỹ thuật có thể khắc phục bằng tiền, còn trình độ người đi biển tiền không mua được. Hôm nay có lẽ đã là quá muộn để có thể khắc phục tình trạng ấy. Muộn còn hơn không, chúng ta đã có sự hỗ trợ rất lớn cho sự học các vùng sâu, vùng xa, các dân tộc ít người, liệu có thể coi con em ngư dân như những đối tượng này để có những chế độ khuyến học phù hợp, nâng cao trình độ người đi biển ngày mai.
……………….
Đã hơn 1 năm rồi tôi vẫn nhớ cái rùng mình ớn lạnh trong đêm 22/6/2011 trên vùng biển Bắc Trường Sa, khi nghe tiếng máy bay “nước lạ” quần thảo trên đầu. Đêm cuối tháng không trăng, màn đêm đen kịt, tiếng phành phạch của chiếc máy bay đến rất nhanh, rồi cái bóng đen như ma lù lù hiện ra trên đầu. Bóng ma ấy quần trên đầu chúng tôi 3 vòng, siết chặt lại có lúc chỉ cách chúng tôi chừng 100 mét. Không ai nói ra nhưng đều thắc thỏm, sau nó sẽ là cái gì…? Một chiếc tàu chiến, chiếc ca nô vũ trang, hay bất kỳ cái gì đó, với những người trên tàu đều liên quan trực tiếp đến mạng sống. Ngư dân Quảng Ngãi ra Hoàng Sa đánh bắt cá còn khổ hơn nhiều, Anh Lê Bốn, ngư dân ở đảo Lý Sơn bảo: “đêm phải lựa, lách tàu vào lạch nước cạn để đậu, tránh bị tàu nước ngoài đâm”. Thêm cái nạn tàu cá “nước lạ” cậy to, lên tàu ta cướp cá.
Nếu ước, đã đủ ba điều ước, nhưng không thể không “ước” thêm, điều ước thứ tư: “Đất liền” phải giúp cho biển “yên” để ngư dân ta không bị bắt nạt ngay trên vùng biển của mình.
>> Tôi chưa gặp cái nghề nào có những vết chai kỳ lạ như bàn tay của người làm nghề biển. Lần đầu xuống tàu, bắt tay anh thuyền trưởng thấy gai gai, cầm bàn tay ấy lên xem, những vết chai dày bám suốt trong lòng như lớp bánh đa. Cả tàu 10 người, ai cũng thế, nhưng sau giờ kéo lưới, chai bợt ra, cầm vào thấy mềm mủn, sũng nước, cũng gai gai, theo một kiểu khác… |