Hiện nay, bình quân mỗi chuyến biển chi phí phải tăng thêm từ 20 – 25%. Nếu như vào những năm trước đây là thời điểm ngư dân Phan Thiết phấn khởi vì được mùa được giá thì năm nay ngư dân lại phải lo làm sao để thu đủ bù chi. Vừa trải qua 1 năm khó khăn do dịch Covid-19, nhiều tàu thuyền buộc phải nằm bờ trong vụ cá nam. Tưởng rằng đầu năm 2022, nghề biển sẽ khởi sắc, nhưng thông tin xăng, dầu lại có sự điều chỉnh tăng mạnh giữa trung tuần tháng 2, khiến ngư dân càng thêm bất an. Hiện giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 962 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 981 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.571 đồng/lít và xăng RON 95 là 25.322 đồng/lít. Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần tăng giá thứ 4 liên tiếp và lần tăng thứ 3 kể từ đầu năm đến nay. Đây đều là mức cao nhất từ tháng 7/2014. Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.
Giá xăng, dầu tăng mạnh làm chi phí mỗi chuyến biển tăng cao.
Vừa trở về sau chuyến biển xuất hành mùng 6 tết, ngư dân Lê Tịnh (phường Đức Thắng – TP Phan Thiết) cho biết: “Tàu của tôi rất may không bị lỗ tổn vì giá dầu tăng cao quá. Tôi khai thác được vài tấn cá, đủ chi cho anh em và chi phí chuyến biển”. Anh Tịnh nhẩm tính: “Tôi vươn khơi 10 ngày phải trữ gần 4.000 lít dầu, chi phí gần 80 triệu đồng. Nếu thời điểm trước, chỉ tầm 50 triệu là đủ, ngư dân còn mong có lãi. Đợt này, nhiều tàu xuất hành sau tết về không đủ chi phí, vì nhiên liệu rồi phí tổn tăng cao, ai cũng buồn rầu”. Thông thường sau Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi cho những tàu đánh bắt xa bờ phấn khởi vươn khơi, lại thường khai thác được những mẻ cá lớn, nên ai cũng hy vọng. Tuy nhiên, tin xăng, dầu tăng, làm nhiều tàu đánh bắt xa bờ xuất hành, phải tính toán kỹ hơn cho chuyến vươn khơi.
Ngư dân Lê Văn Hồng (Phú Hài – TP.Phan Thiết) cho biết: “Tôi thường đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, 1 chuyến đi tiêu thụ hơn 8.000 lít dầu, chiếm gần 140 triệu đồng, tăng khoảng 30% so với trước. Nhưng những năm gần đây, ngư trường không còn dồi dào, nên chúng tôi quyết lòng vươn khơi phải đi xa hơn, dài ngày hơn dẫn đến chi phí cho chuyến biển cũng tăng lên. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác không ổn định, giá hải sản cũng bấp bênh nên nhiều người không mặn mà, không dám liều nữa”. Để đối phó với tình hình giá dầu tăng cao, đa số tàu đánh bắt xa bờ ở Phan Thiết phải kéo dài thời gian bám biển từ 20 – 30 ngày. Đồng thời, những tàu này phải kết nối với các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để thu mua hải sản kịp thời trên biển, giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, chi phí phát sinh và nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Không phải giá xăng, dầu mới tăng đầu năm mới này, mà từ tháng 9 đến tháng 12/2021 đã có nhiều đợt tăng liên tiếp làm nhiều ngư dân đắn đo, không dám vươn khơi. Ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí cho mỗi chuyến biển càng lúc càng cao, cùng với giá hải sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Trước những khó khăn trên, nhiều ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ… nhằm khuyến khích ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển giữa lúc bộn bề khó khăn.
M. Vân
Nguồn: Báo Bình Thuận