“Tác động kép” đẩy hải sản, rau xanh ở Hà Tĩnh tăng giá

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết bất lợi gây khó khăn trong khai thác, sản xuất cùng với việc giá xăng dầu liên tiếp “leo thang” đã đẩy giá các mặt hàng thủy hải sản, rau củ quả ở Hà Tĩnh tăng cao.

Xăng tăng, giá hải sản tăng

Từ trước tết Nguyên đán Nhâm Dần lại nay, thời tiết bất lợi kéo dài khiến ngư dân gặp khó trong khai thác thủy hải sản nên số chuyến khai thác giảm mạnh.

tàu cá hà tĩnh nằm bờ

Nằm bờ nhiều ngày nên ngư dân Cẩm Nhượng (cẩm Xuyên) phải dùng bạt để che chắn thuyền (Ảnh Văn Chung).

Cùng đó, giá xăng dầu tăng cao kỷ lục thời gian qua khiến chi phí sản xuất “đội lên”, kéo theo giá thủy hải sản ở Hà Tĩnh tăng khá mạnh. Theo chia sẻ của các tiểu thương, giá cả tăng đã đành, nguồn cung hải sản cũng hạn chế nên việc lấy hàng rất khó khăn.

Chiều 21/2, liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo chiều tăng. Đây là kỳ tăng lần thứ 5 liên tiếp kể từ cuối tháng 12/2021 đến nay.

Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 960 đồng/lít, từ 24.570 đồng/lít lên 25.530 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng thêm 960 đồng/lít, từ 25.320 đồng/lít lên 26.280 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít) và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây. Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức “đỉnh” được lập vào tháng 7/2014 khoảng 110 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Theo đó, dầu hoả là 19.500 đồng/lít, tăng 750 đồng; dầu diesel là 20.800 đồng/lít, tăng 940 đồng; dầu madut là 17.930 đồng/kg, tăng 280 đồng.

Chị Trần Thị Bích Ân (tiểu thương bán thủy hải sản ở huyện Lộc Hà) cho biết: “Từ đầu tháng 12 âm lịch năm ngoái lại nay, tôm, cua, cá mực… rất hiếm hàng. Một số mặt hàng hiện nay giá cao hơn nhiều so với thời điểm trước tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 như: cá cháo 200.000 đồng/kg (trước là 150.000 đồng/kg), tôm biển từ 450.000 – 490.000 đồng/kg (trước là 350.000 đồng/kg), mực 360.000 – 390.000 đồng/kg (trước là 300.000 đồng/kg), cá thu 300.000 – 350.000 đồng/kg (trước là 250.000 – 270.000 đồng/kg), cá bạc má 150.000 đồng/kg (trước là 100.000 đồng/kg)…”

giá thủy hải sản

Giá thủy hải sản cao không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà các tiểu thương cũng khó bán hơn.

Chị Võ Thị Hoa tiểu thương chuyên bán cá ở chợ Vườn Ươm, TP Hà Tĩnh (có người nhà làm nghề đánh bắt hải sản ở xã Thạch Kim, Lộc Hà – PV) cho biết: “Qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay giá xăng dầu trong nước đã cao nhất trong vòng 17 năm qua. Do vậy, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân tăng trên 30% nên giá mặt hàng thủy hải sản mà chúng tôi nhập vào cũng tăng theo từ 10 – 30% tùy loại. Giá cao không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà việc buôn bán cũng khó khăn hơn”.

Thời tiết bất lợi, giá rau tăng

Đối với mặt hàng rau – củ – quả hiện nay cũng ghi nhận tình trạng giá cả gia tăng. Theo lý giải của các hộ kinh doanh, một trong những nguyên nhân đẩy giá rau củ tăng là do thời tiết bất lợi, mưa rét kéo dài gây khó khăn cho việc sản xuất. Hiện nay, nguồn cung rau củ tại các vùng chuyên canh trong tỉnh giảm đáng kể.

Bà Hồ Thị Tâm (tiểu thương bán rau ở chợ TP Hà Tĩnh) cho hay: “Tôi thường thu mua rau, củ ở các vùng trong huyện Thạch Hà đem ra các chợ bán. Ra tết lại nay, nhu cầu sử dụng rau xanh tăng cao, trong khi nguồn cung giảm nên giá cả tăng. Một số loại giá tăng gấp đôi so với trước tết Nguyên Đán như: rau cải 8.000 – 10.000 đồng/bó (trước chỉ 4.000 – 5.000 đồng/bó); rau khoai lang 7.000 – 9.000 ngàn đồng/bó (trước chỉ 3.000 – 4.000 đồng/bó)… Một số loại tăng giá nhẹ hơn như: súp lơ 17.000 – 19.000/bông (trước chỉ 13.000 – 14.000/bông; bắp cải 12.000 – 15.000 đồng/bắp (trước chỉ 8.000 – 10.000/bắp); mồng tơi 10.000 đồng/bó (trước chỉ 6.000 – 7.000 đồng/bó)…”

Còn với những tiểu thương chuyên nhập rau củ ở chợ đêm nông sản Bình Hương cũng phải chịu mức giá cao hơn do chi phí vận chuyển của các đầu mối tăng khi giá xăng dầu “leo thang”.

Chị Nguyễn Thị Diệp (tiểu thương bán rau ở chợ Vườn Ươm – TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi chuyên nhập rau củ từ các vùng chuyên canh trồng rau ở tỉnh Nghệ An và các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, chi phí vận chuyển của các đầu mối tăng nên chúng tôi khi nhập hàng cũng phải chịu mức giá cao hơn. Đó là chưa kể thời tiết mưa rét, rau bị dập do sương muối, để qua ngày dễ hư hỏng, nhiều khi chúng tôi phải vứt bỏ”.

Thực tế cho thấy, việc một số thực phẩm như: thủy hải sản, rau xanh tăng giá đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bác Nguyễn Thị Tứ (phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trong điều kiện nhiều khó khăn do khai thác, sản xuất cũng như tác động khi giá xăng dầu tăng cao thì một số loại thực phẩm tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi sẽ phải tính toán để chi tiêu hợp lý hơn”.

Thông tin từ phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh: Thời điểm cận tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 lại nay, một số mặt hàng tươi sống như: thủy hải sản, rau củ có hiện tượng tăng giá. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước ở mức cao nhất trong vòng 17 năm qua đã kéo theo chi phí khai thác, vận chuyển hàng hóa tăng theo. Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT nắm bắt nguồn cung một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu trong tỉnh, trong đó thủy hải sản, rau củ quả nhằm đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của người dân. Sở Công thương sẽ nắm bắt thông tin về diễn biến cung - cầu thị trường, giá cả, khả năng cung ứng, quá trình lưu thông hàng hóa của từng đơn vị, địa phương. Từ đó, báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh để có giải pháp kịp thời điều tiết hàng hóa thiết yếu.

Thảo Hiền

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!