THỨ BA, ngày 21/1/2025

Xuất khẩu nhuyễn thể: Lượng có thể giảm, chất phải tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, xuất khẩu nhuyễn thể của Việt Nam tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2011. Nhìn sang 2013, vẫn còn nhiều khó khăn chưa giải quyết được.

Tín hiệu khả quan

Tính đến 15/12/2012, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 74,342 triệu USD, tăng 0,5%. EU chiếm gần 68% giá trị nhập khẩu nhóm hàng này khi đạt 50,105 triệu USD, tăng 7,6% . Nhật đứng thứ 2 trong tổng số 47 thị trường nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam, đạt 7,542 triệu USD, chiếm 10% tổng giá trị. Xuất khẩu mực, bạch tuộc nửa đầu tháng 12 tuy giảm 30,5% nhưng đến nay giá trị đã đạt 482,876 triệu USD, tăng 4%. Pháp là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc khả quan nhất trong EU, với giá trị tăng gần 46%; còn tại Bồ Đào Nha, giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 14,911 triệu USD, tăng 23,9% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó nghêu chiếm khoảng 47%.

Xuất khẩu nhuyễn thể năm 2012 đạt 74,342 triệu USD – Ảnh: Huy Hùng

Nhiều nhà nhập khẩu Hàn Quốc vẫn chọn Việt Nam làm đối tác để nhập khẩu mực, bạch tuộc. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính do doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ thị trường Hàn Quốc, cộng với việc cung cấp sản phẩm có chất lượng, hợp khẩu vị. Hiện, Hàn Quốc đứng thứ hai sau Nhật về nhập khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam, đạt 141,558 triệu USD, chiếm 29,3% tổng giá trị.

 

Còn nhiều khó khăn

Đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng xuất khẩu nhuyễn thể năm qua vẫn còn những khó khăn chưa giải quyết được. Đó là vấn đề nguyên liệu, khi chưa tận dụng được nguồn lợi nuôi trồng, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định… Các nhà máy chế biến trong nước phải chọn giải pháp nhập nguyên liệu, cộng thêm việc chi phí sản xuất, phí vận chuyển đường biển tăng cao… Việc mở rộng thị trường, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày một khó hơn.

Do khủng hoảng kinh tế, các thị trường chủ lực của Việt Nam liên tiếp cắt giảm nhu cầu; đơn hàng của doanh nghiệp giảm nghiêm trọng. Giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc và EU lần lượt giảm 12,9% và 14,4% so cùng kỳ năm 2011; tại Mỹ, giá trị nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 20,2% so cùng kỳ 2011. Dự báo năm 2013, kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn, do chính sách “thắt lưng buộc bụng” phản tác dụng, khủng hoảng nợ công…; cùng đó, Italia và Tây Ban Nha nửa đầu năm 2013 sẽ giảm 10 – 20% nhập khẩu mực, bạch tuộc.

 

Triển vọng năm 2013

Để duy trì đà tăng trưởng, đồng thời vượt qua những trở ngại kể trên, cần có sự phối hợp nhiều nữa giữa người nuôi, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong nắm bắt diễn biến thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu thủy sản trọng điểm, có kịch bản đối phó sớm với những tranh chấp phát sinh, thì mới giảm thiểu được rủi ro trong xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP nhấn mạnh, doanh nghiệp thủy sản phải đặc biệt chú ý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu. Lượng có thể giảm, nhưng chất phải tăng – đó là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp hội nhập.

>> Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phát triển nuôi một số đối tượng nhuyễn thể giá trị cao (nghêu, hàu, sò huyết, ốc hương, tu hài…), tạo sản lượng hàng hóa tập trung phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thêm việc làm và tăng thu nhập cho dân cư ven biển.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!