T2, 06/07/2020 10:17

Tết nhảy

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là nét văn hóa đặc sắc từ bao đời và không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về ở Tả Phìn – Sa Pa.

Cách thị trấn Sa Pa 12 km về phía đông bắc, đường vào Tả Phìn một bên là vách núi, một bên là thung lũng với suối nước trong vắt chảy len qua những chân ruộng bậc thang. Trên những sườn non, các rẫy ngô hàng thẳng hàng, lớp lớp xanh mơn mởn. Nơi đây, người Dao đỏ dựng nhà ở rải rác trên sườn núi. 

Những ngày đầu xuân, người Dao đỏ Tả Phìn nô nức trẩy hội dưới chân núi, nơi thường diễn ra nghi thức tưởng nhớ người xưa. Trong đó, Tết nhảy là một phong tục không thể thiếu.

 

Phong tục xa xưa

Chuẩn bị cho Tết nhảy, thanh niên trong làng phải tập các điệu múa, nhảy và chuẩn bị gươm, đao bằng gỗ để múa. Người già trong bản kể, từ lâu lắm rồi, khi tổ tiên người Dao phía bắc vượt Biển Đông vào Việt Nam, một số thuyền gặp bão, phải nhảy lên xin thần tiên cứu giúp và hứa khi thoát nạn vào bờ sẽ làm lễ Nhảy để tạ ơn.

Lễ hội Tết nhảy của người Dao đỏ Sa Pa năm nào cũng tổ chức với hình thức, quy mô như nhau. Ba dòng họ lớn (Lý, Bàn, Triệu) ở xã Tả Phìn tấp nập tổ chức Tết nhảy tại nhà trưởng tộc, nơi đặt bàn thờ tổ tiên của cả họ. Dòng họ nào được tổ chức thì phải ba năm liên tục, sau đó mới đến dòng họ khác.

Người Dao đỏ múa chuông trong dịp Tết – Ảnh: Xuân Trường

Nghi lễ này thường chỉ diễn ra cuối giờ Thìn đầu giờ Tỵ, ngày mồng 1 hoặc mồng 2 tháng Giêng. Với mục đích chính là cúng và cầu khấn tổ tiên phù hộ sang năm mới mọi người trong gia tộc mạnh khoẻ, mùa màng bội thu, gia súc gia cầm không bị bệnh.

 

Đặc sắc từng nghi lễ

Tết nhảy gồm nhiều thủ tục, mở đầu là 14 điệu nhảy dẫn đường, bắc cầu đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn Tết. Để chào bố mẹ, những người đã khuất, điệu nhảy chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Để mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, điệu nhảy được diễn tả bằng múa cò, mô phỏng cảnh chim cò xải cánh bay rồi dáo dác tìm chỗ đậu. Điệu nhảy mời thần linh ăn Tết được diễn tả bằng nhịp bước khoan thai và uy lực loài hổ. Trong Tết nhảy, người Dao đỏ còn hát với nhiều làn điệu về công lao tổ tiên, sự tích dòng họ, các sinh hoạt cấy trồng, dệt vải, săn bắn…

Sau lễ nhảy múa là lễ rước và tắm tượng tổ tiên. Ngày thường, tượng được bọc kín bằng vải vàng. Ngày Tết, con cháu rước tượng xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm cho tượng cũng làm từ lá thơm, qua chưng cất.

Kết thúc lễ tắm gội cho tượng tổ tiên, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà, xôi và lễ vật. Thầy cả và 3 thanh niên tay cầm con gà trống sống, nhảy điệu dâng gà, vừa nhảy múa vừa vặt đầu gà làm thịt…

Thiên Long

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!