(TSVN) – Cá rô phi có nhiều tiềm năng về nuôi và chế biến. Tuy nhiên, để phát triển phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lại gặp không ít khó khăn, nhất là bài toán thiếu nguồn giống chất lượng cao, kháng bệnh.
Cá rô phi là loài cá nước ngọt dễ nuôi, sống phổ biến ở sông, suối, ao hồ; đây là giống cá thuộc họ Cichlidea gồm nhiều chủng loại có nguồn gốc phát sinh từ châu Phi và Trung Đông. Cá rô phi được Bộ NN&PTNT xác định là một trong bốn đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên cả nước do có thể nuôi được ở cả nước ngọt và nước lợ ven biển. Với ưu thế ít dịch bệnh, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao…, cá rô phi đang ngày càng nhận được sự quan tâm của người dân và diện tích thả nuôi tăng hàng năm.
Hiện nay, rô phi là loài cá nuôi quan trọng thứ hai trên thế giới sau cá chép với sản lượng đã vượt qua sản lượng của cá hồi và các loài cá da trơn. Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và có thị trường rộng khắp thế giới, ngành công nghiệp nuôi cá rô phi sẽ tiếp tục mở rộng đáng kể trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm khi dân số thế giới ngày càng tăng. Đặc biệt, việc sản xuất cá rô phi với mục đích thương mại đã được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các thị trường truyền thống ở châu Á và châu Phi đã mở rộng sang nhiều nước ở châu Mỹ, châu Âu và các nơi khác. Hiện nay, cá rô phi nuôi đã nhanh chóng trở thành một nguồn thay thế đáng kể cho các loài cá thịt trắng truyền thống được đánh bắt từ tự nhiên.
Từ năm 2002, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã phát động phong trào nuôi cá rô phi xuất khẩu. Từ đó, hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, các dự án nuôi cá rô phi thí điểm được triển khai ở miền Nam và miền Bắc, đạt được một số thành tựu khả quan về sản xuất giống, nâng cao chất lượng con giống. Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, năm 2020 diện tích nuôi cá rô phi Việt Nam ước đạt khoảng 33.000 ha, thể tích nuôi lồng bè trên sông và hồ chứa 1,5 triệu m3; sản lượng 300.000 tấn. Phấn đấu đến năm 2030, vùng nuôi cá rô phi đạt 40.000 ha, 1,8 triệu m3 lồng, sản lượng 400.000 tấn.
Mặc dù ngành cá rô phi đã phát triển nhanh trong thời gian qua, thế nhưng hiện nay ngành này phải đối mặt với những thách thức mới như biến đổi khí hậu và an toàn sinh học, bao gồm cả sự xuất hiện của virus TiLV (Tilapia Lake Virus). Nếu không giải quyết thỏa đáng những thách thức hiện tại và mới nổi, khả năng cung cấp con giống chất lượng của các cơ sở sản xuất sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Do đó, nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả nuôi, thời gian qua, cá rô phi được chọn lọc, cải tiến giống khá mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đến nay, chúng ta đã chủ động được phần lớn nguồn giống cá rô phi chất lượng.
Mặc dù vậy, hạn chế trong sản xuất giống cá rô phi là tại khu vực miền Bắc hiện còn rất ít cơ sở sản xuất giống cá rô phi do giống rô phi cũ có tốc độ tăng trưởng chậm, trong khi cá rô phi giống mới (dòng rô phi Đường Nghiệp) lớn nhanh, các cơ sở giống khó duy trì để phát triển. Vì vậy, mặc dù con giống ngoại nhập đắt hơn nhiều nhưng vẫn được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, giống nhập khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh.
Do đó, để nâng cao chất lượng con giống, các cơ sở sản xuất giống cần đầu tư mới, nâng cấp và mở rộng quy mô, năng lực, từ đó góp phần chủ động nguồn giống, đáp ứng nhu cầu cá rô phi giống tại miền Bắc vào đầu vụ nuôi. Đặc biệt, cần nhập nội đàn cá bố mẹ có chất lượng tốt về để nghiên cứu, chọn tạo tiến tới tự sản xuất được giống cá rô phi có chất lượng cao. Tiếp đó, tập trung mọi nguồn lực nghiên cứu, phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng cao, đủ số lượng thay thế đàn cá bố mẹ không bảo đảm chất lượng hiện nay.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu giống cá rô phi mới sinh trưởng nhanh chống chịu tốt với các bệnh phổ biến và tỷ lệ fillet cao phục vụ xuất khẩu. Kết hợp giữa di truyền số lượng và di truyền phân tử để phát triển nhanh giống cá rô phi chất lượng cao phù hợp với điều kiện nuôi của Việt Nam. Hình thành vùng sản xuất giống tập trung gần các vùng nuôi thương phẩm để chủ động sản xuất cung cấp giảm chi phí và hao hụt trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất giống để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.
Nguyễn Hằng