(TSVN) – Nhằm bảo đảm cho vụ nuôi mới thành công, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi mới. Đặc biệt là chú trọng cung ứng con giống chất lượng, bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định thành bại vụ nuôi.
Bắc Ninh là một trong những địa phương có phong trào NTTS phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000 ha NTTS và hơn 2.000 lồng nuôi cá trên sông. Từ ngày 20/2 – 30/4 là thời điểm thích hợp thả giống cá rô phi đơn tính, cá chim trắng và cá truyền thống. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bắc Ninh, việc sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, cùng với việc lưu giữ cá qua đông nên các hộ nuôi cơ bản chủ động được nguồn giống. Chỉ có một số ít đối tượng nuôi cá lồng như lăng chấm, nheo Mỹ do đặc thù thời tiết miền Bắc ít phù hợp nên phải đặt mua từ miền Nam hoặc nhập ngoại. Thống kê năm 2021, toàn tỉnh sản xuất được hơn 230 triệu con giống, chủ yếu là các loại chép, rô phi, mè, trôi… tập trung tại 4 cơ sở sản xuất lớn.
Năm 2022, ngành thủy sản tỉnh Thái Bình phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 3,2%, giá trị sản xuất đạt 5.754 tỷ đồng, sản lượng thủy sản đạt trên 262.400 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 180.235 tấn. Các giống con nuôi chủ lực vẫn là ngao, TTCT, các loại cá truyền thống… Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT Thái Bình đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới. Chủ động căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn để sản xuất các loại giống thủy sản bảo đảm chất lượng cung ứng cho người nuôi. Theo đó, các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã chọn cá bố, mẹ và cho sinh sản một số loài cá có giá trị kinh tế cao như: trắm cỏ, trắm đen, chép… Ông Phạm Ngọc Ba, Trại trưởng Trại thực nghiệm nuôi cá Hòa Bình (thuộc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) cho biết, năm 2022, theo kế hoạch, Trại sản xuất khoảng 40 triệu cá bột các loại, trong đó tập trung các giống: cá trắm, cá chép, cá rô phi. Để bảo đảm con giống đạt chất lượng tốt, phục vụ cho vụ nuôi thủy sản năm nay, ngay từ cuối năm 2021, cơ sở đã bơm cạn, vét bùn đáy ao nuôi, dùng vôi bột để cải tạo môi trường ao nuôi, diệt cá tạp và phòng, trừ dịch bệnh. Đồng thời, gia cố bờ ao chắc chắn, ngăn rò rỉ gây thất thoát nước, cá giống. Đối với cá trắm, chép, Trại nhập cá bố mẹ từ Viện Nghiên cứu NTTS I; áp dụng chế độ cho ăn phù hợp theo từng loại cá để cá sinh sản tốt, tạo nguồn giống chất lượng cung cấp cho người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Còn tại tỉnh Quảng Trị, do bị thiệt hại nặng nề của các đợt mưa lũ lịch sử vào năm 2020 nên toàn bộ đàn cá bố mẹ của Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh Quảng Trị trước đó đã bị cuốn trôi. Hệ thống ao hồ bị xuống cấp, sạt lở làm ảnh hưởng đến công tác sản xuất cá giống. Được sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT và của UBND tỉnh Quảng Trị; năm 2020, Trung tâm giống Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã được hỗ trợ 1,5 tấn cá bố mẹ gồm các giống cá chép V1, trắm, mè, rô phi dòng Gift… Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi cá nước ngọt năm 2022, hiện nay cùng với việc chăm sóc tốt, bảo toàn đàn cá bố mẹ, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Trị đang chuẩn bị các điều kiện cho cá sinh sản nhằm cung cấp đủ nguồn cá giống cho nông dân trên địa bàn ở vụ nuôi năm 2022. Kế hoạch của Trung tâm năm nay sẽ cung ứng trên 3 triệu con cá giống các loại; trong đó có các loại nuôi mới như: Cá trê lại vàng, cá chép V1, cá rô đầu nhím. Trung tâm cũng đã được đầu tư sửa chữa nâng cấp hệ thống nhà bể, kè chống xói lở đảm bảo tốt cho công tác sản xuất cung ứng nguồn cá nước ngọt trên địa bàn.
Diệu Châu