Bước vào vụ tôm nước lợ năm 2022, người nuôi tôm trên khắp đồng bằng sông Cửu Long có thêm chút tự tin khi giá tôm tiếp tục duy trì ở mức cao từ cuối năm 2021 sang tận 3 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, những biến động bất ngờ từ thị trường đã làm cho hầu hết nguyên liệu, vật tư đầu vào đều tăng mạnh khiến cho chi phí đầu tư vụ nuôi vì thế cũng tăng theo.
Giá tôm vẫn giữ được mức cao từ cuối năm 2021 cho đến tận trung tuần tháng 4 này. Đây là tin vui, là động lực giúp người nuôi tôm thêm chút tự tin bước vào vụ nuôi mới 2022. Giá của hầu hết mặt hàng nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi đều đã điều chỉnh tăng 1 – 2 lần từ đầu năm đến nay, đẩy chi phí vụ nuôi tăng lên mức 2 con số. Thêm một thoáng băn khoăn, lo lắng và cân nhắc của người nuôi tôm. Cùng một biến động tăng giá, nhưng lại mang đến cho người nuôi tôm 2 trạng thái tâm lý mừng, lo đối nghịch nhau.
Điều người nuôi quan tâm nhất hiện nay không chỉ là chi phí sản xuất tăng mà còn là liệu giá tôm có giữ ở mức cao khi vào thu hoạch rộ. Ảnh: TÍCH CHU
Hiện nay, tại hầu hết các vùng nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long đều đã vào đợt nuôi chính vụ năm 2022, nên nhu cầu về con giống, thức ăn cùng các nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ nghề nuôi là rất cao. Dù giá tôm của hầu hết kích cỡ vẫn còn giữ ở mức khá cao, nhưng người nuôi vẫn không khỏi lo lắng khi gần như tất cả chi phí đầu vào của vụ nuôi đều đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ông Ngô Công Luận – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết, giá thức ăn tôm từ đầu năm đến nay của hầu hết các thương hiệu có uy tín đều đã tăng 2 – 3 đợt với tổng mức tăng khoảng 900 – 1.200 đồng/kg tùy theo thương hiệu. Nếu so với cùng kỳ năm 2021 thì giá thức ăn tôm hiện cao hơn khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg, nên nếu chỉ tính riêng phần tăng giá thức ăn đã làm người nuôi mất đi 6.000 – 7.000 đồng lợi nhuận.
Con giống cũng tăng nhưng theo người nuôi nhìn chung là không nhiều, ước tính khoảng 20 đồng/con; trong đó, con giống của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Việt Nam (gọi tắt là CP) là có giá cao nhất khoảng 154 – 159 đồng/con tùy theo điều kiện vận chuyển, còn lại các thương hiệu khác cũng dao động trong khoảng 130 đồng/con. Tuy vẫn có sự tăng giá, nhưng hầu hết các doanh nghiệp sản xuất con giống đều có chính sách khuyến mãi bình quân 30 – 50%, cá biệt có thời điểm lên đến 100%, nên theo người nuôi mức tăng trên gần như là không đáng kể. Ngoài ra, giá xăng dầu, bạt lót, khung thép… tăng cao cũng góp phần làm tăng thêm chi phí sản xuất ở vụ tôm 2022 này.
Về tình hình tăng giá đầu vào nuôi tôm, anh Huỳnh Xuân Diện – Chủ tịch HĐQT HTX Tân Hưng, ở huyện Cái Nước (Cà Mau) nói vui: “Từ hồi tôi biết nuôi tôm đến giờ gần như giá con giống, thức ăn và các loại nguyên liệu, vật tư đầu vào nuôi tôm năm sau đều cao hơn năm trước và năm nay cũng không là ngoại lệ. Nói chung là tăng riết rồi… cũng quen, dù biết là cứ mỗi lần tăng như vậy là lợi nhuận của mình bị bào mòn đi đôi chút. Đơn cử như giá thức ăn từ đầu năm đến nay tính ra tăng chỉ khoảng 4%, nhưng khổ nỗi chi phí thức ăn chiếm 60 – 70% tổng chi phí vụ nuôi, nên cứ mỗi phần trăm tăng thêm là người nuôi mất đi một phần đáng kể lợi nhuận”.
Nếu như con giống, thức ăn chỉ tăng ở mức 1 con số thì các loại nguyên liệu, thuốc men, hóa chất khác đều đã tăng 2 – 3 con số. Anh Huỳnh Hàn Châu, hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) liệt kê: clorin tăng 100%, thuốc tím tăng gần 50%, thuốc thú y thủy sản tăng khoảng 30%, vật tư nguyên liệu khác tăng khoảng 30%. Anh Châu nhẩm tính: “Nếu tính chung hết, chi phí cho vụ nuôi năm nay tăng khoảng 20 – 25%, vì giá thức ăn tuy tăng không cao, nhưng lại chiếm phần lớn chi phí ở vụ nuôi. Nói một cách khác, ở vụ nuôi năm nay, mỗi ký tôm thu hoạch sẽ phải cõng thêm khoảng 20.000 – 25.000 đồng chi phí đầu tư. Rất may là hiện tại giá tôm còn cao, nên người nuôi vẫn còn động lực để đầu tư, chứ nếu không sẽ rất khó”.
“Rất may”, đó là câu cửa miệng của người nuôi tôm khi nói về bài toán hiệu quả vụ nuôi năm nay. “Liệu cái may đó có còn giữ được đến khi mùa tôm vào vụ thu hoạch rộ tới đây”? Tôi hỏi và được anh Ngô Thanh Tuấn, ở HTX Nuôi tôm Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lắc đầu cho biết: “Theo tôi là rất khó vì theo quy luật hàng năm, cứ đến mùa thu hoạch là giá tôm ít nhiều đều giảm. Năm nay, nhiều dự báo thị trường xuất khẩu tôm sẽ thuận lợi hơn, giá sẽ tốt hơn, nhưng khả năng tôm nguyên liệu giữ giá tốt như hiện nay cũng sẽ rất khó. Nói khó bởi trong những tháng đầu năm tôm còn ít, doanh nghiệp buộc phải mua giá cao, nên khi vào thu hoạch rộ họ sẽ mua giá giảm lại, nhằm cân đối lợi nhuận cho cả năm”.
Nhận định của anh Tuấn là hoàn toàn có cơ sở khi qua trao đổi với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, họ đều thừa nhận, thường hiệu quả những tháng đầu năm không cao do nguyên liệu ít, giá cao, nên khi vào vụ thu hoạch rộ, các nhà máy đều phải giảm giá mua lại. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá tôm năm nay nhiều khả năng sẽ tốt hơn so với 2 năm trước và để đảm bảo lợi nhuận tốt, người nuôi nên nuôi nhiều giai đoạn, hoặc thu tỉa để nuôi tôm về kích cỡ lớn (20 – 30 con/kg đối với tôm thẻ) vì giá tôm cỡ lớn nếu có giảm cũng sẽ không nhiều do nhu cầu tôm cỡ lớn cao nhưng nguồn cung hạn chế. Như vậy, có thể thấy, tuy có lo lắng về giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng mạnh, nhưng đối với người nuôi, giá tôm nguyên liệu lúc thu hoạch cao hay thấp mới là điều quan trọng, bởi đây mới là yếu tố quyết định đến lợi nhuận của cả vụ nuôi.
Tích Chu
Nguồn: Báo Sóc Trăng