Giá thức ăn nuôi thủy sản tăng cao từ đầu năm đến nay khiến người nuôi ở Quảng Nam đối diện với vô vàn khó khăn.
Những hộ nuôi thủy sản tiềm lực khá trên địa bàn tỉnh vượt khó, tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào, kỳ vọng tăng giá trị kinh tế thu được. Tuy vậy, đó là số ít, phần lớn còn sản xuất nhỏ lẻ nên nông hộ chưa thể nhanh chóng thích ứng.
Góp vốn cùng 2 hộ dân khác nuôi cá điêu hồng trong 40 lồng bè ở sông Tam Kỳ đoạn qua khối phố Hương Trà Tây (phường Hòa Hương, Tam Kỳ), ông Huỳnh Văn Luận lo lắng vì cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng bán ra nhỏ giọt, giá rẻ hơn so với đầu năm trong khi chi phí thức ăn lại tăng mạnh.
Ông Luận tính, giá cá điêu hồng đầu ra hiện nay là 48.000 đồng/kg, trong khi đó, chỉ riêng chi phí thức ăn đầu vào đã 40.000 đồng, cộng thêm các khoản vật tư thủy sản, công lao động đã xấp xỉ 50.000 đồng, nên… lỗ vốn.
“Cá đã đến kỳ thu hoạch, nếu bán chậm, chi phí thức ăn nuôi cá mỗi ngày ở mỗi lồng lên đến 453.000 đồng. Đã 2 đợt tăng giá thức ăn thủy sản từ đầu năm đến nay, chúng tôi như ngồi trên lửa” – ông Luận nói.
Giá thức ăn nuôi tôm hiện nay đang tăng cao. Ảnh: Nguyễn Quang
Ông Huỳnh Văn Luận cũng như nhiều hộ nuôi cá nước ngọt và nước lợ trên địa bàn tỉnh vốn dùng thức ăn thủy sản của Công ty C.P vì đảm bảo chất lượng, cá sinh trưởng tốt, nhưng khi giá tăng cao, họ đã chuyển sang các hãng cung cấp thức ăn nuôi cá khác vì giá rẻ hơn đến 20.000 – 30.000 đồng/kg.
“Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn nuôi cá tăng 40.000 đồng/bao 25kg, giá thuốc, men vi sinh, các loại khoáng chất bổ trợ cũng tăng cao nên chúng tôi bắt buộc phải giảm chi phí đầu vào. Nhưng làm thế cá lại phát triển chậm. Cứ đà giá thức ăn thủy sản tăng cao mà giá bán thủy sản giảm thấp, chúng tôi thua lỗ nặng, khó cầm cự với nghề” – ông Trương Thế Mẫn, hộ nuôi cá trên sông Cổ Cò đoạn qua khối phố Phước Thịnh (phường Cửa Đại, Hội An), nói.
Hiện giá thức ăn nuôi cá tùy loại tăng hơn 500 đồng – 1.000 đồng/kg thì giá thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng tùy loại đã tăng ở mức 1.500 – 3.000 đồng/kg. Giá tôm thương phẩm hiện nay dao động ở mức 100.000 đồng/kg tùy kích cỡ nhưng chi phí thức ăn đã ở mức 80.000 đồng/kg. Giống như các hộ nuôi cá, người nuôi tôm, nhất là nuôi tôm nhỏ lẻ khóc ròng vì ngoài thức ăn còn nhiều chi phí khác như vật tư, điện…
“Khi bước vào nghề, tôi nghĩ chỉ cần nuôi tôm trúng là có lãi cao nhưng không ngờ nguy cơ thua lỗ khi chi phí đầu vào quá cao do giá thức ăn nuôi tôm tăng mạnh từ đầu năm đến nay” – ông Nguyễn Trọng Thảo, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, Thăng Bình), chia sẻ.
Trước những khó khăn gặp phải, ông Huỳnh Văn Luận cho biết, sẽ cơ cấu lại nghề nuôi thủy sản, thay vì nuôi cá tự phát, sẽ liên kết với Công ty C.P để ổn định sản xuất. Theo đó, phối hợp mua cá giống chất lượng, nhận cung cấp thức ăn, vật tư thủy sản, men vi sinh cũng như bán cá đến kỳ thu hoạch cho Công ty C.P.
Ông Luận cho rằng, cá giống càng chất lượng càng lớn nhanh nên chi phí thức ăn giảm xuống, lại không lo phải sử dụng các loại thuốc bổ cho cá. Quy trình kỹ thuật nuôi cá sẽ khác, nhất là cho cá ăn đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời gian sẽ giảm hệ số tiêu hóa thức ăn.
Định kỳ sử dụng men vi sinh, khoáng chất, men tiêu hóa sẽ giúp cá tăng hệ miễn dịch, sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Nỗi lo đầu ra sẽ được giải quyết khi doanh nghiệp bao tiêu theo hợp đồng đã ký kết.
Trước tình cảnh “bão giá” trong nuôi tôm cộng thêm các khó khăn về biến đổi khí hậu, nguồn nước ngày càng biến động, ô nhiễm, ông Phạm Trọng Tín – hộ nuôi tôm có thâm niên ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết, sẽ ứng dụng nuôi tôm theo phương thức biofloc trong thời gian tới.
Theo ông Tín, khối biofloc gồm vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn và thức ăn thừa sẽ cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước, nhờ đó giảm chi phí nuôi tôm, tăng hiệu quả mang lại.
Ông Võ Văn Long – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, lưu thông, kinh doanh thức ăn thủy sản, tránh đầu cơ, trục lợi, ép giá, ổn định thị trường, bảo vệ người nuôi thủy sản.
Đồng thời khuyến khích nông dân, các doanh nghiệp, hơp tác xã ứng dụng công nghệ mới trong nuôi cá, nuôi tôm công nghệ cao để giảm chi phí thức ăn, đầu vào nói chung, nuôi thủy sản thành công hơn.
“Ứng dụng công nghệ mới để nuôi thủy sản rất tốn kém nên phần lớn hộ nuôi với tiềm lực nhỏ chưa thể triển khai ngay được. Trước hết họ cần tích lũy vốn cộng với tiếp cận các cơ chế khuyến khích nuôi thủy sản của tỉnh để triển khai” – ông Long nói.
Nguyễn Quang