Kiểm soát vi khuẩn Aeromonas veronii trên cá nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Aeromonas veronii đang là mối lo lớn của ngành thủy sản khi được ghi nhận gây bệnh trên nhiều loài cá nước ngọt với tỷ lệ chết khá cao.

Đặc điểm và triệu chứng

Vi khuẩn Aeromonas veronii đã được mô tả là một mầm bệnh quan trọng trên các loài cá nước ngọt (Singh và cộng sự, 2012). Chúng đã được báo cáo là tác nhân gây ra các đợt bùng phát dịch các chứng nhiễm trùng máu xuất huyết và hội chứng loét hệ tiêu hóa trên cá (Austin và Austin, 1999; Rahman et al., 2002; Cai và cộng sự, 2012). Những bệnh do A. veronii gây ra thường liên quan tới việc sản sinh các chất độc như protease (Song và cộng sự, 2004), cũng như các thành phần bề mặt tế bào như lipopolysaccharide (Turska-Szewczuk và cộng sự, 2012, Hadi và cộng sự., 2012).

Tại Việt Nam, từ năm 2017, cá nheo Mỹ nuôi tại miền Bắc thường xuyên xảy ra dịch bệnh gây chết hàng loạt, nhiều trang trại tỷ lệ chết rất cao lên đến 40 – 100% cá nuôi, ở cả các mô hình nuôi lồng và nuôi ao đất, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi nói chung và ngành hàng cá da trơn ở miền Bắc nói riêng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn A. veronii là một trong những tác nhân nguy hiểm cho đối tượng nuôi này. A. veronii là một vi khuẩn gram âm, hình que.  Khi cá bị bệnh, biểu hiện chủ yếu là xuất huyết gốc vây hậu môn, các cơ quan nội tạng như gan, ruột, thận, lá lách đều xuất huyết, tụ máu hoặc hoại tử. Bệnh thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh xuất huyết cho A. hydrophila gây ra. Kiểm tra độc lực của vi khuẩn A. veronii cho thấy cá sẽ bắt đầu chết vào ngày thứ 3 và chết 100% vào ngày thứ 10.

Triệu chứng cá nheo Mỹ khi bị nhiễm vi khuẩn Aeromonas veronii

Tại Giang Tô, Trung Quốc, một chủng vi khuẩn A. veronii đã được phân lập từ cá lóc bông bị hội chứng loét do ký sinh trùng. Sau đó, các đặc điểm hình thái, vị trí phân loại và các gen độc lục cũng được kiểm tra. cá lóc bị nhiễm A. veronii dấu hiệu đầu tiên các tác giả nhận thấy tình trạng xuất huyết da và vây. Sau đó các vết xuất huyết lớn rộng dần và ăn sâu vào cơ thịt cá. Giải phẫu nội tạng nhận thấy gan và lách cá có màu sắc tái nhạt. Ruột trương to và xuất huyết.

Trong một nghiên cứu gần đây của Rakib Ehsan cùng cộng sự (2021) đã báo cáo kết quả phân lập vi khuẩn A.veronii từ cá rô mắc bệnh lở loét. Các triệu chứng bên ngoài của cá bệnh được thu gom gồm có vết loét sâu, xuất huyết, nhầy nhớt thân, đuôi và vây bị thối. Kết quả có 38/46 mẫu ghi nhận đặc điểm sinh hóa thuộc vi khuẩn Aeromonas sp. và dựa vào hình dạng phân loại 5 trong số 38 mẫu là A.veronii. Kết quả thử nghiệm cảm nhiễm A. veronii trên cá rô khỏe để đánh giá tỷ lệ chết ghi nhận rơi vào khoảng 48 – 53% và cá bắt đầu chết sau 2 – 3 ngày cảm nhiễm.

Chẩn đoán

Để phát hiện A.veronii có thể dùng kỹ thuật duplex PCR để giám định, 2 cặp mồi được sử dụng là cặp mồi đặc hiệu gen 16S-rRNA của Aeromonas và cặp mồi đặc hiệu (rpoB) của A.veronii. Phương pháp này ngoài chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh là A. veronii còn cho phép phân biệt với vi khuẩn A. hydrophila.

Phòng trị bệnh

Phòng bệnh có tính chất quyết định đến kết quả nuôi, trong đó tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để diệt các tác nhân gây bệnh là rất quan trọng. Quản lý tốt môi trường nuôi, cung cấp nước bằng nước sạch. Kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả. Tránh thả quá dày, ổn định môi trường, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh bằng cách định kỳ 15 ngày/lần xử lý bằng dung dịch Vimekon (1 g/m3 nước). Tránh làm cá bị xây xát, không để cá bị nhiễm các loại bệnh ngoài da sẽ tạo điều kiện cho bệnh cá phát triển. 

Cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao làm cá khỏe sẽ có sức đề kháng tốt. Định kỳ trộn thức ăn với men tiêu hóa, Vitamin C, premix. 

Thường xuyên quan sát những biểu hiện bất thường của cá để phát hiện sớm bệnh.

Khi phát hiện cá bị bệnh cần tiến hành vớt cá chết ngay, khử trùng tiêu độc nguồn cá này để tránh lây lan. Cần tiến hành khử trùng nước ao nuôi, lồng nuôi. Cá nheo Mỹ bị bệnh có thể cho cá ăn kháng sinh Florphenicol (15 mg/kg cá), trong 5 – 7 ngày. Sau khi điều trị kháng sinh 2 ngày bổ sung chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa của cá và ao nuôi. Ngoài ra, cần lưu ý vi khuẩn này có thể gây bệnh cho nhiều loài cá khác do vậy cần kiểm soát quá trình lấy nước vào, ra ao và kiểm soát tránh lây lan mầm bệnh sang các ao khác và các vùng nuôi xung quanh.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!