(TSVN) – Trong NTTS nói chung, nuôi tôm nước lợ nói riêng, con giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến các khâu của chuỗi sản xuất như chất lượng, năng suất, sản lượng… Tuy nhiên, công tác kiểm soát chất lượng tôm giống hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này vẫn là câu chuyện đáng bàn.
Ngày 24/5, tại Cà Mau, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở NN&PTNT Cà Mau, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Giải pháp kiểm soát chất lượng tôm giống”. Tại Hội thảo, Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021 cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất tôm giống, công suất 144,5 tỷ con. Tính từ đầu năm đến tháng 4/2022, đã sản xuất được 37,9 tỷ con giống. Các tỉnh sản xuất giống chính, chiếm khoảng 80% gồm: Cà Mau, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Theo Tổng cục Thủy sản, tình hình sản xuất và cung ứng giống tôm nước lợ của nước ta có nhiều thuận lợi như: Đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giống thủy sản; sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước vào nghiên cứu giống; kinh nghiệm sản xuất giống và các cơ sở sản xuất giống hiện có; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giống; doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia sản xuất; hình thành nhiều khu sản xuất giống tập trung.
Việc tăng cường quản lý chất lượng tôm giống để hạn chế thấp nhất nguồn giống kém chất lượng là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Phan Thanh
Tuy nhiên, cũng còn một số tồn tại cần phải nhanh chóng được tháo gỡ như: Kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc; công tác quản lý còn phân đoạn, chưa có có sự thống nhất giữa công tác quản lý Nhà nước về chất lượng giống và kiểm dịch; nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đặc biệt là các cơ sở ương dưỡng tôm giống. Đây là những cơ sở không đảm bảo điều kiện, cung cấp con giống ra thị trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng đó, vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…
Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra nhiều giải pháp với mong muốn nâng cao nguồn tôm giống sạch bệnh có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, góp phần đưa ngành tôm phát triển bền vững.
Cụ thể: Cần nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ vùng nuôi hữu cơ, sinh thái (đến năm 2030 cần 150.000 – 200.000 con tôm sú bố mẹ). Nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú, TTCT) tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động nguồn cung cho các cơ sở sản xuất giống phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh (đến năm 2030 cần 600.000 – 700.000 con tôm sú, TTCT bố mẹ). Đề xuất bổ sung và tập trung thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để hoàn thiện quy trình công nghệ trong khâu chọn tạo và sản xuất tôm giống. Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu hợp tác với các đơn vị nghiên cứu có uy tín để tiếp cận, nhận chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ chọn tạo giống. Thực hiện khẩn trương các Chương trình, dự án tại Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS về: Chương trình gia hóa, chọn tạo đàn tôm bố mẹ; nghiên cứu, gia hóa, chọn tạo, sản xuất tôm sú bố mẹ chất lượng cao; nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất TTCT bố mẹ chất lượng cao. Các đơn vị được phân giao nhiệm vụ kịp thời cung cấp, chia sẻ thông tin cho Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý NTTS tại các địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng tôm giống. Các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo Luật Thủy sản và Nghị định hướng dẫn. Hoàn thiện tài liệu hướng dẫn để thực hiện các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm tra, thanh tra xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thủy sản. Thực hiện tốt Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2022. Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm.
Về tổ chức sản xuất: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, tạo đầu mối để liên kết với các vùng tiêu thụ tôm giống để kiểm soát chất lượng tôm giống.
Nhiều đại biểu tại Hội thảo cho rằng: Tôm giống là yếu tố quyết định rất lớn đến sự thành công của vụ nuôi. Nếu mua phải tôm giống nhiễm bệnh, tôm giống kém chất lượng thì cầm như thất bại ngay từ đầu. Chính vì thế, việc tăng cường quản lý chất lượng tôm giống để hạn chế thấp nhất nguồn giống kém chất lượng là vấn đề cấp thiết. Song người nuôi cũng nên quan tâm đến các yếu tố khác như dinh dưỡng, thức ăn, công nghệ… nhằm đảm bảo có một vụ nuôi thành công.
Phương Ngọc