Ngày 12/3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển giống thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Huy Điền đã tham dự và đồng chủ trì hội nghị.
Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, hiện nay diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản mới chiếm 24,5% so với diện tích tiềm năng. Nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh phát triển trên cả 3 loại hình mặt nước: mặn, lợ, ngọt. Đối tượng nuôi tương đối đa dạng và phong phú, một số giống loài thủy sản có giá trị hàng hóa và giá trị kinh tế cao như: cá biển, giáp xác, nhuyễn thể… đang có xu hướng phát triển nuôi mạnh.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, nguồn giống sản xuất tại chỗ theo kế hoạch sản xuất năm 2013 ước đạt trên 800 triệu con giống các loại, trong khi đó nhu cầu các đối tượng nuôi trên toàn tỉnh trên 4,3 tỷ con, do đó chỉ đáp ứng được 19,8% so với nhu cầu. Giống thủy sản chủ yếu được người nuôi mua từ các tỉnh ngoài và từ Trung Quốc. Đây là một khó khăn lớn làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả nghề nuôi thuỷ sản trên địa bàn. Công tác quy hoạch vùng sản xuất giống thuỷ sản chưa được thực hiện, các cơ sở sản xuất giống được hình thành mang tính tự phát, đầu tư không đồng bộ nên phát triển thiếu bền vững. Công tác kiểm soát, kiểm dịch chất lượng nguồn giống còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu…
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, trong đó có 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản nước lợ, 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản nước ngọt với công suất bình quân đạt 30 – 40 triệu giống/năm.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể ngành thủy sản Quảng Ninh, đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản là 23.000 ha, sản lượng đạt 53.000 tấn. Để đạt được chỉ tiêu này, nhu cầu giống cần có đến năm 2020 là 6 tỷ con. Với số lượng con giống thủy sản lớn như vậy, đòi hỏi công tác tổ chức sản xuất cũng như quản lý con giống phải có những định hướng và các giải pháp hết sức cụ thể.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã thảo luận xung quanh những vấn đề về cơ chế chính sách cho việc phát triển nguồn giống thuỷ sản; chính sách vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất giống; quy hoạch vùng sản xuất giống; vấn đề về khoa học kỹ thuật; công tác quản lý, kiểm dịch giống; công tác đào tạo nguồn nhân lực sản xuất giống… từ đó đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề phát triển nguồn giống trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền khẳng định: Thời gian tới, Tổng cục sẽ ban hành Thông tư về quản lý giống để công tác quản lý giống tại các địa phương được thuận lợi hơn. Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hiện đang trình Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ có khung pháp lý cho vấn đề phát triển giống thuỷ sản. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh một số quy định, điều kiện, thời gian, lãi suất vay vốn phát triển nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thuỷ sản.
Kết luận tại hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, tình hình nuôi trồng thuỷ sản, phát triển nguồn giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém, trong đó có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, trong khi đó công tác quản lý dịch bệnh, xây dựng thương hiệu, sản xuất thuỷ sản theo quy trình VietGap còn nhiều hạn chế; tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn.
Để phát triển giống thuỷ sản giai đoạn 2013 – 2020, cần phải thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Về giống thuỷ sản nước ngọt, UBND Tỉnh giao cho Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh nhiệm vụ đầu tư nâng cấp Trung tâm sản xuất giống, tập trung sản xuất giống thuỷ sản nước ngọt, đáp ứng được nhu cầu giống nuôi trên địa bàn. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung thuỷ sản nước ngọt. Về giống nước mặn, phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm sản xuất giống tại Đầm Hà. Sở NN&PTNT cần rà soát lại cụ thể các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn, trình UBND tỉnh về phương án đẩy mạnh sản xuất của các cơ sở này. Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành xây dựng cơ chế, chính sách cho chương trình phát triển nguồn giống nuôi, sớm báo cáo UBND tỉnh. Về kêu gọi đầu tư vào nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào xây dựng trung tâm giống tại Đầm Hà, các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung… tỉnh sẽ có cơ chế chính sách phù hợp.
Đối với công tác kiểm dịch, kiểm định chất lượng giống thuỷ sản, ngành chức năng cần nhanh chóng chấn chỉnh, nâng cao năng lực kiểm dịch để đáp ứng nhu cầu. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mở rộng phạm vi cho vay theo cơ chế hỗ trợ vốn sản xuất của tỉnh. Trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, cơ sở sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn, ngành nông nghiệp phối hợp với các trường thuỷ sản đào tạo nguồn nhân lực sản xuất giống thuỷ sản.
Có thể nói, công tác sản xuất giống thủy sản ở tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua dù đạt kết quả chưa cao nhưng bước đầu đã có những thành công, mở ra một triển vọng mới cho định hướng đa dạng hóa sản phẩm. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo đã làm động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất giống phát triển, đáp ứng được một phần nhu cầu giống của người nuôi cả về số lượng và thành phần loài của các vùng nước nuôi trồng thủy sản. Đến nay, hầu hết các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Quảng Ninh như tôm chân trắng, tôm sú, tu hài, hầu Thái Bình Dương, nghêu, cá rô phi đơn tính, cá chép V1 và một số loài cá biển như cá song, cá vược, cá giò, cá chim vây vàng… đã làm chủ được quy trình sản xuất…