(TSVN) – Cuối tháng 6, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND huyện Krông Ana về việc nghiêm cấm hành vi hủy diệt trong khai thác thủy sản trên địa bàn.
Huyện Krông Ana có 141 ha diện tích mặt nước ao, hồ nhỏ; 849 diện tích mặt nước hồ chứa, sông suối. Trong những năm qua, do tình trạng ngư dân khai thác và đánh bắt thủy sản chủ yếu bằng các ngư cụ có tình hủy diệt nên sản lượng và đối tượng thủy sản có xu hướng ngày càng cạn kiệt, sản lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên giảm dần qua các năm.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND huyện về việc nghiêm cấm hành vi hủy diệt trong khai thác thủy sản trên địa bàn, từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực thủy sản nói riêng đã đạt được kết quả đáng kể.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản là một trong những hoạt động được tỉnh Đắk Lắk chú trọng. Ảnh: Minh Thuận
Đến cuối năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là 365 ha, tăng 25 ha so với năm 2019. Tổng sản lượng thủy sản đạt 3.086 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 2.536 tấn, tăng 1.036 so với năm 2019.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác và đánh bắt thủy sản, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức để đến được với người dân; công tác tuần tra, kiểm soát ngày càng được tăng cường, đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm có tính răn đe, do đó nhận thức của ngư dân về nghiêm cấm các hành vi đánh bắt thủy sản có tính hủy diệt đã chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh đó, một số ngư dân trước đây sống bằng nghề đánh bắt tự nhiên, nay đã chuyển sang nghề nuôi cá lồng bè có thu nhập khá. Hiện nay số cơ sở nuôi cá lồng trên địa bàn huyện là 12 hộ với 221 lồng nuôi, tăng 116 lồng so với năm 2019.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND huyện Krông Ana có hiệu quả, ngành chức năng huyện tiếp tục: Tuyên truyền về sử dụng nguồn lợi, các ngư cụ và những tác động của ngư cụ đến môi trường, sinh thái thủy sinh; nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ các ngư dân chuyển đổi sang khai thác, đánh bắt thủy sản bằng các ngư cụ hợp pháp đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá ao, nuôi cá lồng, nuôi cá hồ chứa, các mô hình chăn nuôi, trồng trọt; các cơ quan chức năng, các địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát và có các biện pháp, giải pháp kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm…
Anh Dũng