(TSVN) – Đại dương giờ đây đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó có cả chiến tranh, sự chia cắt, tranh giành lãnh hải cùng với đó là sự khai thác kiệt quệ tài nguyên. Có lẽ chưa bao giờ vấn đề biển, đại dương đang được thế giới quan tâm như hiện nay.
Mới đây Liên hợp quốc đã triệu tập hội nghị với chủ đề nhân rộng các hành động bảo vệ đại dương dựa trên khoa học và đổi mới với sự tham dự của gần 20 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và gần 100 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Môi trường, Bộ Tài nguyên của các nước. Đây mới là lần thứ hai Liên hợp quốc triệu tập một hội nghị toàn cầu về các hành động trên đại dương như vậy.
Theo thống kê, chỉ trong 10 năm gần đây, con người sản xuất nhiều nhựa hơn cả thế kỷ trước. Dự báo nếu không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, đến năm 2050, trọng lượng rác thải nhựa sẽ vượt lượng cá ở đại dương.
Tình nguyện viên tham gia thu gom rác thải đại dương tại bờ biển Vũng Tàu. Ảnh: Quang Vũ
Sự bùng nổ về dân số, khai thác du lịch bừa bãi và đô thị hóa các vùng ven biển khiến biển và các đại dương bị ô nhiễm nặng. Khoảng 269.000 tấn rác đang trôi nổi trong khi khoảng 8,3 triệu tấn nhựa vẫn được thải ra biển hàng năm (cần khoảng 500 – 1.000 năm để phân hủy nhựa).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề xuất các giải pháp nhằm đưa đại dương trở thành trung tâm của kinh tế, xã hội toàn cầu, như đầu tư vào kinh tế bền vững; sử dụng đại dương là mô hình quản lý các vấn đề toàn cầu; bảo vệ đại dương và những người sống phụ thuộc vào đại dương và đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ các cộng đồng ven biển.
Biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt trái đất và trong xu thế toàn cầu hóa, biển và đại dương càng trở nên quan trọng hơn. Rất khó có thể ngăn cản quá trình đô thị hóa các cửa biển, cảng biển; bởi phát triển kinh tế cũng như bảo vệ chủ quyền biển đang là vấn đề thời đại. Song, chắc chắn bài toán bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vẫn đặt ra nhức nhối.
Biển Đông có mật độ, lưu lượng vận tải hàng hóa đứng thứ hai thế giới. Hơn 30% lượng hàng hóa giao thương trên thế giới và 80% lượng dầu mỏ thế giới vận chuyển qua Biển Đông. Với hơn 500 triệu người ở Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam sống ven Biển Đông, đây là môi trường sống, làm việc và cũng là tương lai của con em họ. Tuy nhiên, việc khai thác đánh bắt thủy, hải sản trên Biển Đông cũng đang được báo động. Trong đó các quốc gia cần phải phòng chống ô nhiễm môi trường biển hiệu quả hơn, thực thi nghiêm túc Công ước về Đa dạng sinh học (CBD); Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Thống kê của Việt Nam cho thấy, khoảng 100 loài sinh vật biển quý hiếm có nguy cơ đe dọa và hủy diệt đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực)… Nguồn lợi hải sản trên Biển Đông nguy cơ cạn kiệt và các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 2000 xuống còn 3 triệu tấn năm 2020.
Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm tại các khu vực ven biển; đầu tư, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thực hiện thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường.
Khi phóng viên ra làm việc tại các hòn đảo ở Côn Đảo thì các nhân viên kiểm lâm cho biết các khu bảo tồn biển vẫn được tổ chức tốt. Hàng năm rùa biển tại các nước Đông Nam Á vẫn quay về Côn Đảo sinh nở duy trì nòi giống. Tuy nhiên, việc các mảnh lưới trôi nổi và rác thải nhựa ngày càng nhiều tại vùng Biển Đông cũng sẽ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của loài rùa xanh và các giống loài quý hiếm khác. Chung tay bảo vệ môi trường biển cũng chính là bảo vệ chính môi trường sống cho con người trong tương lai gần.
Nguyễn Anh