(TSVN) – Trong quá trình sản xuất giống, việc tuyển chọn cá bố mẹ được cho là một trong những công đoạn quan trọng nhất. Đây là quá trình đầu tiên để phát triển con giống, đảm bảo các lứa cá giống khỏe mạnh, đạt yêu cầu trước khi cung cấp ra thị trường.
Có thể nói chất lượng cá giống phụ thuộc vào 2 yếu tố then chốt. Thứ nhất là chất lượng đàn cá bố mẹ và kỹ thuật sinh sản. Thứ hai là kỹ thuật ương nuôi và vận chuyển cá giống. Trong đó chất lượng đàn cá bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Thời gian qua, chất lượng con giống trong NTTS sụt giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chất lượng đàn cá bố mẹ. Vì lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh và do giá cá thương phẩm không ổn định nên phần lớn các cơ sở sinh sản đàn cá bố mẹ không được đầu tư nuôi vỗ đúng quy trình, dẫn đến chất lượng con giống càng sụt giảm. Chính vì vậy, việc cải tạo, quan tâm chất lượng đàn cá bố mẹ là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để sản xuất được nguồn giống thủy sản có chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường, đáp ứng mong mỏi của bà con NTTS.
Chất lượng giống quyết định rất lớn đến thành công của vụ nuôi. Ảnh: Shutter
Ngày 6/8 tại Hà Nội, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ (USSEC) tổ chức Hội thảo “Quản lý đàn bố mẹ trong sản xuất cá giống” với mong muốn sẽ là nơi để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sản xuất, người nuôi trong nước và quốc tế về lĩnh vực di truyền, chọn giống trong NTTS cùng ngồi lại bàn giải pháp quản lý đàn cá bố mẹ, từ đó nâng cao chất lượng con giống.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về tiềm năng, cơ hội, cũng như những thách thức của ngành cá tra, cá rô phi của Việt Nam và trên toàn cầu.
Cụ thể, với ngành cá rô phi, bà Zubaida U.Basiao, Viện Sinh học, Trường Cao đẳng Khoa học Đại học Philippines, Diliman, TP Quezon, Philippines cho biết: Rô phi là loài cá nuôi quan trọng đứng vị trí thứ 2 trên thế giới, chỉ sau cá chép. Sản lượng cá rô phi toàn cầu đã tăng trưởng nhanh, từ 2,66 triệu tấn năm 2010 lên 3,34 triệu tấn năm 2012 và gần 6 triệu tấn vào năm 2020. Thị trường cá rô phi toàn cầu hiện nay trị giá khoảng 7,9 tỷ USD và dự báo sẽ lên đến 9,2 tỷ USD vào năm 2027. Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất cá rô phi hàng đầu. Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan nằm trong số 10 quốc gia sản xuất hàng đầu. Về nhập khẩu, top 10 thị trường nhập khẩu cá rô phi hàng đầu trên thế giới gồm: Mỹ, Israel, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản, Guatemala, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Hàn Quốc.
Bà Zubaida nhận định: “Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và có thị trường rộng khắp thế giới, ngành công nghiệp cá rô phi sẽ tiếp tục mở rộng đáng kể trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm khi dân số thế giới ngày càng tăng. Và Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh phát triển loài này. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết hiện nay chính là chất lượng cá rô phi giống”.
“Các trại sản xuất giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất cá rô phi vì đây là nơi cung cấp nguồn cá giống đảm bảo cho việc nuôi thương mại. Điều quan trọng đối với sự thành công của bất kỳ trại sản xuất cá rô phi giống nào chính là việc quản lý chất lượng đàn cá bố mẹ tốt”, bà Zubaida Basioo nói thêm.
Còn với ngành cá tra, PGS.TS Dương Thùy Yên, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ cho biết: Các nước sản xuất cá tra lớn nhất trên thế giới hiện nay là Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Các nước sản xuất cá tra quan trọng khác gồm Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Thái Lan. Riêng tại Việt Nam, có thể nói cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu có thế mạnh của nước ta. So với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Việt Nam có điều kiện môi trường thuận lợi để nuôi loại cá giàu giá trị dinh dưỡng và có tiềm năng xuất khẩu lớn này.
“Về tình hình sản xuất giống cá tra, theo VASEP, năm 2020, nước ta có 120 trại giống, chủ yếu ở Đồng Tháp (78 trại); An Giang (10 trại) và các tỉnh khác như Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre. Có 3.500 trại ương với diện tích 4.000 ha. Cả nước hàng năm sản xuất được 25 – 28 tỷ con cá bột, 2 tỷ con cá giống. Tuy nhiên, chất lượng cá tra giống hiện nay vẫn là vấn đề rất cần được quan tâm”, PGS.TS Dương Thùy Yên nói thêm.
Theo bà Zubaida, những năm qua, tốc độ NTTS tăng trưởng nhanh, chiếm hơn ½ lượng cá tiêu thụ trên thế giới. Trong đó, cá rô phi là một trong những nhóm loài NTTS quan trọng nhất. Thông qua chọn lọc nhân tạo và các phương pháp di truyền, người ta có thể tạo ra những loài, dòng nuôi mới có phẩm chất vượt trội để đưa vào sản xuất. Trong đó, cá rô phi dòng GIFT đã được chứng minh có tốc độ tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, qua nhiều thế hệ, chất lượng con giống thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền, đó là sinh sản cận huyết và lai tạo giống. Cận huyết thường dẫn tới suy thoái như giảm sinh trưởng, sức sinh sản và sức đề kháng.
“Do đó, để nâng cao chất lượng cá rô phi giống, việc quản lý đàn bố mẹ cần được quan tâm nhiều hơn. Các doanh nghiệp cần lưu trữ thông tin cá bố mẹ để quản lý theo hệ gen, tính toán số lượng cá đực cái nhằm lựa chọn quy mô quần thể phù hợp với điều kiện của cơ sở. Để tránh ảnh hưởng cận huyết, các cơ sở sản xuất giống nên thường xuyên trao đổi đàn cá hậu bị với các trung tâm giống hoặc các cơ sở khác, chọn ngẫu nhiên từ đàn cá hậu bị để tạo đàn cá bố mẹ và duy trì số lượng đàn cá bố mẹ tối thiểu là 50 cặp. Tùy thuộc vào từng loài nuôi, vòng đời của chúng để quyết định thời gian thay hoặc bổ sung đàn bố mẹ. Đối với người nuôi, cần tuân thủ theo khuyến cáo của đơn vị, cơ quan nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật quản lý thích hợp”, bà Zubaida đưa ra giải pháp.
Còn với cá tra, PGS.TS Dương Thùy Yên cho rằng, để sản xuất số lượng lớn cá tra giống chất lượng cao, việc quản lý đàn cá bố mẹ cần được quan tâm hàng đầu. Đồng thời, cũng cần chú ý đến vấn đề quản lý dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp và cuối cùng là quản lý tốt môi trường.
Kim Tiến – Hồng Thắm