(TSVN) – Thời gian qua, các tỉnh khu vực ĐBSCL đã phối hợp thực hiện tốt việc quản lý, nhằm bảo đảm chất lượng tôm giống, giảm rủi ro cho người nuôi.
Những năm qua, cứ vào mùa vụ sản xuất mới, người dân khu vực ĐBSCL lại trăn trở tìm con giống chất lượng tốt. Bởi con giống là yếu tố then chốt quyết định thành bại vụ nuôi. Tôm giống kém chất lượng sẽ tiềm ẩn mầm bệnh, khi điều kiện thời tiết thay đổi, chất lượng nước suy giảm thì mầm bệnh bùng phát. Hiện nay trên thị trường vẫn còn xuất hiện tình trạng tôm giống chưa qua kiểm dịch, tôm trôi nổi, kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến năng suất vụ nuôi. Trước thực trạng trên, thời gian qua, các địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản tới từng cơ sở sản xuất giống, kiểm tra cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng tôm giống. Các đơn vị chuyên môn địa phương hằng năm phối hợp Tổng cục Thủy sản và các đơn vị chức năng trong tỉnh tổ chức đoàn thanh tra tôm giống lưu thông trên địa bàn để chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ NN&PTNT, số lượng TTCT bố mẹ nhập khẩu ngày càng giảm do nguồn trong nước được củng cố, phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp, Nhà nước tăng cường nguồn lực cho các viện nghiên cứu. Giai đoạn 2022 – 2030, từ chương trình phát triển nghiên cứu giống tôm sú sạch bệnh sẽ giúp tăng thêm phần chủ động nguồn tôm sú bố mẹ cung cấp cho sản xuất trong nước. Năm 2021, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; sản lượng tôm giống ước đạt 144,5 tỷ con, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020. Với diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 746.000 ha, nhu cầu tôm giống khoảng 140 – 150 tỷ con, trong đó chủ yếu là vùng ĐBSCL; số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con.
Tại Sóc Trăng, hằng năm, ngành thủy sản luôn tham gia ký kết quy chế phối hợp quản lý tôm nước lợ giữa các địa phương ven biển. Công tác tuần tra, kiểm soát vận chuyển tôm giống thủy sản và thực hiện quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin về số lượng tôm giống nhập, xuất trên địa bàn tỉnh đã được Sở NN&PTNT tỉnh quan tâm thực hiện. Năm qua, tỉnh Sóc Trăng tổ chức kiểm tra điều kiện các cơ sở ương dưỡng, sản xuất. Có hơn 335 triệu tôm giống nước lợ xuất ra địa bàn tỉnh đã được kiểm dịch, chủ yếu xuất về các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre. Hơn 7 tỷ con giống nhập vào tỉnh Sóc Trăng có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Với hơn 300.000 ha NTTS, trong đó có hơn 270.000 ha nuôi tôm, nhu cầu tôm giống của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 30 tỷ con/năm, thế nhưng, hơn 500 cơ sở sản xuất tôm giống tại địa phương chỉ bảo đảm khoảng 12 tỷ con giống, vì thế khoảng hơn 50% nguồn tôm giống ở Cà Mau phải nhập từ bên ngoài. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau, nhờ tăng cường kiểm soát giống thủy sản mà trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng Cà Mau phát hiện 4 trường hợp vi phạm, buộc tiêu hủy hơn 500.000 tôm giống, giảm 17 vụ và giảm lượng tiêu hủy hơn 10 triệu tôm giống so cùng kỳ năm 2021.
Thực hiện tốt quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2022, thời gian qua, Tổng cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan giữa các địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nuôi tôm thương phẩm. Tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư phục vụ NTTS; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong NTTS; xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngoài ra, cùng với trách nhiệm của các cấp chính quyền, các nuôi tôm ở khu vực ĐBSCL cần nâng cao trình độ, kinh nghiệm, thay đổi tư duy, tập quán trong quá trình sản xuất, đặc biệt là khâu chọn con giống. Thực tiễn chứng minh, muốn nuôi tôm đạt kết quả cao, trước hết, khâu chọn con giống là điều kiện tiên quyết; phải chọn mua tôm giống tại những cơ sở sản xuất có uy tín, chất lượng nguồn gốc rõ ràng.
Thái Thuận