Hiệu quả cao từ cá rô đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá rô đồng dễ nuôi, thịt cá thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Chỉ sau 4 – 5 tháng nuôi có thể xuất bán và cho hiệu quả kinh tế cao. So với một số loài thủy sản khác thì cá rô đồng không những cho lợi nhuận cao hơn mà còn ít rủi ro, ít bệnh tật (chủ yếu mắc bệnh nấm hoặc xuất huyết). Đặc biệt, cá rô đồng có một ưu điểm nổi bật là có cơ quan hô hấp phụ nên có thể sống ở vùng nước thiếu ôxy hòa tan và nuôi với mật độ cao.

Đặc điểm sinh học

Cá rô đồng có thân thon dài, phía sau dẹp ngang, đầu và phần trước rộng, dẹt dần về phía sau. Miệng có nhiều răng nhỏ và nhọn mọc trên hai hàm và xương lá mía. Đỉnh đầu và mặt bên đều phủ vẩy, rìa nắp mang có răng cưa, thân phủ vẩy lược. Gai vây rất cứng và chắc, gốc vây đuôi có đốm đen tròn. Vây lưng, vây đuôi và vây hậu môn màu xanh đen, các vây khác màu nâu nhạt (Mai Đình Yên và ctv, 1992).  Cá có kích thước lớn nhất đã gặp có chiều dài tới 20 cm (Phạm Văn Khánh và Lý Thị Thanh Loan, 2004).

Khi trưởng thành cá rô đồng có thể sử dụng nhiều loại thức ăn, nhưng thức ăn ưa thích là động vật đáy như giun ít tơ, ấu trùng côn trùng… Ngoài ra, cá rô cũng có khả năng sử dụng thức ăn chế biến và phụ phẩm nông nghiệp rất tốt. Rô đồng là loài cá nước ngọt, sống ở vùng nhiệt đới. Ngoài tự nhiên cá sống trong sông, ao, hồ, mương vườn, ruộng, ngoài ra cá có thể sống ở các cửa sông lớn, miền núi ít gặp. Trong điều kiện nhân tạo, cá rô sống được trong bể xi măng, ao mương có diện tích nhỏ. Nếu cá ở nơi mát và bề mặt cơ thể được giữ ẩm, cá có thể sống được ngoài không khí trong nhiều giờ nhờ có cơ quan hô hấp phụ trên mang sử dụng khí trời, đây là ưu thế trong việc vận chuyển và nuôi với mật độ cao trong ao. Cá rô đồng có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm, sau 6 tháng nuôi cá đạt trọng lượng từ 60 – 100 g/con.

Rô đồng là loài cá nước ngọt phân bố rộng rãi ở nhiều nước. Vùng phân bố của cá rô đồng phổ biến ở Nam Á và Đông Nam Á, ngoài ra chúng còn phân bố ở châu Phi (Vương Dĩ Khang, 1963). Ở Việt Nam, cá rô đồng phân bố khắp các địa phương, ở các loại hình mặt nước như ao, hồ, kênh mương, ruộng lúa, đầm lầy ruộng trũng… Tuy nhiên, cá phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng, ít gặp ở miền núi. Cá có khả năng thành thục ở 1 năm tuổi, khi đó chiều dài cá đạt trên 10 cm. Sự sinh sản của cá rô đồng có thể kéo dài trong suốt mùa mưa. Mùa sinh sản tự nhiên của cá rô đồng từ tháng 4 – 9 âm lịch. Cá đẻ được từ 3 – 4 lần/năm, thời gian tái phát dục của cá là 20 – 30 ngày, sức sinh sản trung bình khoảng 300.000 trứng/kg cá cái (Nguyễn Thành Trung, 1998).

Khả năng thích nghi tốt

Cá rô đồng có thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao và là một trong những loài cá nước ngọt được người Việt Nam ưa chuộng. Hiện nay cá rô đồng là một trong những đối tượng thủy sản quan trọng đã và đang được nuôi phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, gần đây đang phát triển nhiều ở vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên do vấn đề môi trường ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng cùng với việc khai thác không có tổ chức ngoài tự nhiên khiến cho nguồn cá rô đồng ngày càng cạn kiệt, số lượng cá ngày càng ít đi, kích cỡ cá thể ngày càng nhỏ lại. Do đó, nguồn giống ngoài tự nhiên không đủ cung cấp cho hệ thống nuôi. Vì vậy để phát triển nguồn cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao này, con giống bằng sinh sản nhân tạo đã được nghiên cứu thành công và đây được xem là nguồn giống cung cấp chủ yếu hiện nay.

Nhờ chủ động được con giống, mô hình cá rô đồng phát triển ở nhiều địa phương. Chỉ với diện tích chưa tới 300 m2, ao cá rô đồng thương phẩm của ông Nguyễn Văn Vẹn ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thu về hơn 4 tấn cá/năm. Cứ mỗi lần xuất bán 4 tấn cá ông Vẹn sẽ có lợi nhuận khoảng 2 tấn. Với giá bán bình quân khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi từ 100 – 120 triệu đồng. Theo ông Vẹn, so với các loại cá khác thì cá rô đồng dễ nuôi, sức đề kháng mạnh nên ít dịch bệnh, thức ăn cho cá cũng là những loại cám thông thường có sẵn trên thị trường. Môi trường sinh sống của loại cá này không kén chọn, chúng có thể sống và phát triển ở nhiều loại nước khác nhau từ nước mạch ao, hồ và cả nước giếng bơm vào bể nuôi… Đây chính là những ưu điểm khi chọn nuôi cá rô đồng thương phẩm.

Hiện, cá rô đồng được nuôi với nhiều hình thức khác nhau. Có thể nuôi đơn trong ao hồ tự nhiên, nuôi trong ao lót HDPE và nuôi trong bể bạt HDPE. Đồng thời, ở một số vùng, cá rô đồng cũng được nuôi ghép với các loài thủy sản khác. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của hộ gia đình để lựa chọn mô hình nuôi cho phù hợp. Với những gia đình không có điều kiện về đất đai để đào ao thì có thể lựa chọn mô hình nuôi cá rô đồng trong bể bạt HDPE.

>> Ngày 1/11/2022, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi cá rô đồng trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp tại xã Trà Tân. Mô hình được triển khai từ tháng 7/2022, với quy mô 15.000 con cá giống, nuôi trong ao đất có diện tích khoảng 1.000 m2, có mực nước sâu khoảng 1,8 m. Tổng chi phí thực hiện mô hình hơn 113 triệu đồng (bao gồm chi phí cải tạo ao, mua cá giống, thức ăn công nghiệp, nhân công). Sau 4 tháng nuôi, cá có trọng lượng trung bình 0,25 - 0,3 kg/con. Với giá bán 45.000 đồng/kg như hiện nay, ước tính sau khi thu hoạch, trừ mọi chi phí, mô hình cho lợi nhuận trên 22 triệu đồng. Theo đánh của Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Linh, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện địa phương. Trong quá trình nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 90%, cá không xảy ra dịch bệnh. Thị trường tiêu thụ cá rô đồng tương đối ổn định. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!