“Gỡ” khó cho cá tra: Không chỉ là nguồn vốn

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu được vay vốn tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây không chỉ là tiếp cận vốn mà còn là vấn đề thị trường xuất khẩu.

Càng nuôi càng lỗ

Tình hình xuất khẩu cá tra ngày càng khó khăn, người nuôi đang dần có xu hướng chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác do áp lực từ việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thủy sản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng… trong khi đầu ra bất ổn, giá thành không bù lại chi phí sản xuất.

Ông Lê Văn Chín Nhỏ, một hộ nuôi cá tra tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tôi nuôi cá tra đã nhiều năm nhưng càng ngày việc nuôi cá tra càng khó, diện tích nuôi của tôi giờ chỉ còn một nửa. Xuất khẩu khó khăn trong khi các chi phí vẫn tăng, người nuôi đang lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg cá nguyên liệu nên cõ lẽ tôi cũng không duy trì tình trạng này lâu hơn.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại Cần Thơ được các nhà máy chế biến thủy sản thu mua với mức giá 21.500 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng 3. Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL, so với giá thành sản xuất họ vẫn lỗ từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Hiện, giá trị gia tăng của mặt hàng cá tra chỉ đạt 0,68%

Trong cuộc hội thảo “Ngành thủy sản năm 2012 và triển vọng năm 2013”  mới đây, PGS. TS Lê Xuân Sinh, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng. Giai đoạn 2002 – 2005 có 25% số hộ nuôi bị lỗ; giai đoạn 2005 – 2009 là 30% và giai đoạn 2010 – 2012, số hộ thua lỗ đã lên đến gần 50%. Cùng với đó, số thương lái thu mua cá tra cũng giảm dần, năm 2003 có 26,8% tổng sản lượng cá tra được thương lái thu mua trực tiếp của người nuôi, thì nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 4,9%. Hiệu suất sinh lời trong chế biến cá tra cũng chênh lệch so với các đối tượng khác: tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được trong mặt hàng tôm là 27,4%, cá ngừ đạt 37,7%. Riêng mặt hàng cá tra, giá trị gia tăng chỉ đạt 0,68%, cho thấy chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như không có lãi.

 

Không chỉ là vấn đề lãi suất

Mới đây, Dự thảo Nghị định về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, với nội dung áp dụng mức cho vay tối đa bằng 85% tổng nhu cầu mua thức ăn chăn nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu, mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi đối tượng được vay không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Dự thảo cũng đề cập tới thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm của từng phương án vay vốn để mua thức ăn chăn nuôi thủy sản, phục vụ xuất khẩu đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và chấp thuận, nhưng thời hạn cho vay của từng khoản vay không quá 12 tháng. Trước đó, các Nghị quyết 02/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết nợ xấu với nội dung gia tăng tín dụng, tăng thời hạn vay vốn tối đa từ 12 đến 36 tháng, Văn bản số 1149/TTg-KTN đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và cho vay nuôi, chế biến cá tra với lãi suất 11%…

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề của ngành thủy sản hiện nay không còn dừng lại ở chuyện tiếp cận vốn, mà cả doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều “bế tắc” với câu chuyện xuất khẩu. Trong quy trình sản xuất từ khi thả giống tới khi sản phẩm xuất khẩu hầu như phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, không phải người nuôi nào cũng “chạm tay” được vào các khoản vay này, nguyên nhân là vì họ không còn tài sản thế chấp. Như ở Đồng Tháp, chỉ có 885 hộ được ngân hàng cho vay vốn năm 2012 trong tổng số 1.647 hộ có nhu cầu.

Trong khi 70 – 80% doanh nghiệp thủy sản lệ thuộc gần như 100% vào vốn vay ngân hàng, thì các doanh nghiệp lại tiếp tục cạnh tranh nhau bằng những “chiêu” bán phá giá (chào bán với giá thấp), đã khiến giá bị đẩy xuống đáy. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng về đợt xem xét hành chính lần thứ 8 với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ như vừa qua. Vì vậy, vấn đề ở đây là phải giải quyết tận gốc tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, xuất khẩu lưu thông thuận lợi cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “thắng” và cả dây chuyền sẽ cùng có lợi.

>> Để đầu tư nuôi 1 ha cá tra, các doanh nghiệp hoặc nông hộ sẽ cần nguồn vốn tối thiểu là 5 – 6 tỷ đồng. Với số vốn lớn như vậy, hộ nuôi chỉ có thể chủ động 20 – 30%, còn lại buộc phải vay từ các tổ chức tín dụng.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!