(TSVN) – Thực tế đã chứng minh, khu bảo tồn biển giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn các hệ sinh thái biển, là cái nôi của nhiều loài thủy sản… Chính vì thế, việc bảo vệ và mở rộng các khu bảo tồn biển đang là việc cấp thiết của ngành thủy sản nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế biển.
Cả nước hiện đã có 11 khu bảo tồn biển (BTB) và vùng biển thuộc Vườn quốc gia được thành lập và quản lý; có 9/11 Ban quản lý Khu BTB đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các đề án/dự án liên quan đến rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng và ranh giới các khu BTB.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích của các Khu BTB được bảo tồn và quản lý là 174.748,85 ha, chiếm khoảng 0,175% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam. Đây là con số vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng biển của nước ta và theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước.
Chăm sóc san hô tại vùng biển Phú Quốc. Ảnh: ST
Cụ thể, ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng Khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nêu mục tiêu “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia” với chủ trương lớn: “Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36- NQ-TW. Cùng đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 4413/QĐ-BNN-TCTS ngày 4/11/2020 phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; trong đó có giao Tổng cục Thủy sản thực hiện 14 đề tài, dự án, nhiệm vụ liên quan đến BTB.
Đến nay, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và triển khai thực 8/14 nhiệm vụ liên quan đến BTB, điển hình như: Chương trình điều tra tổng thể nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; Quy hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đề án mở rộng, thành lập mới khu BTB, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái; Đề án truyền thông nâng cao nhận thực cho cộng đồng về bảo tồn biển; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn biển…
Cùng đó, đến nay đã có 15/21 tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; 14/21 tỉnh đã ban hành văn bản để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Khu BTB Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, các hoạt động kinh tế – xã hội xung quanh Khu BTB phục vụ xây dựng Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục Thủy sản phối hợp đơn vị tư vấn đề xuất phương án điều chỉnh ranh giới, diện tích và các phân khu chức năng của các Khu BTB ở Việt Nam theo hướng đưa ra khỏi phạm vi Khu BTB các khu vực suy thoái về đa dạng sinh học, không đảm bảo về mục tiêu bảo tồn, đồng thời bổ sung các khu vực lân cận có đa dạng sinh học cao, đáp ứng các tiêu chí của BTB.
Tính đến tháng 12/2022, có 9/11 Ban Quản lý Khu BTB đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các đề án/dự án liên quan đến rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng và ranh giới các khu bảo tồn biển; 2 Khu BTB (Cồn Cỏ và Hòn Cau) đang phối hợp tư vấn triển khai thực hiện rà soát, điều chỉnh các phân khu chức năng và ranh giới các khu bảo tồn biển.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản: Hiện nay, trên cơ sở kết quả điều tra bổ sung phục vụ nhiệm vụ lập Qui hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định 14 khu vực biển đạt tiêu chí thành lập Khu BTB, như: Khu BTB Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Khu BTB Cát Bà – Long Châu (Hải Phòng); Khu BTB Hòn Ngư – Đảo Mắt (Nghệ An); Khu BTB gò, đồi ngầm Quảng Bình (Quảng Bình); Khu BTB Bắc Hải Vân – Sơn Chà (Thừa Thiên Huế); Khu BTB Sơn Trà (Đà Nẵng); Khu BTB Vịnh Quy Nhơn (Bình Định); Khu BTB Vũng Rô (Phú Yên); Khu BTB Vịnh Vân Phong, Khu BTB Thuyền Chài, Khu BTB Song Tử (Khánh Hòa); Khu BTB Cà Mau; Khu BTB Hải Tặc và Khu BTB Nam Du – Hòn Sơn (Kiên Giang).
Ngoài ra, các khu vực biển tiềm năng chưa được điều tra, xác định để thành lập các khu bảo tồn biển như: các vùng biển ở khu vực tỉnh Bình Thuận, các đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa (Bình Ba, Bình Hưng…), Kiên Giang.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thời gian vừa qua, công tác bảo tồn chưa được quan tâm, nó thể hiện ở việc đầu tư, bộ máy, tổ chức triển khai chủ yếu ở 28 địa phương ven biển; khi phát triển kinh tế, du lịch, chưa chú trọng đến công tác bảo tồn; 16 khu bảo tồn nhưng đến nay chỉ lập được 12 khu, nhưng rất ít khu hoạt động có hiệu quả và đồng bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được chú trọng, do vậy chất lượng bảo tồn của chúng ta rất yếu. Hiện nay, diện tích bảo tồn mới đạt 0,185%, chưa đạt diện tích bảo tồn đảm bảo đa dạng và phát triển bền vững kinh tế biển.
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ có Chỉ thị 29 và Chính phủ đã có Nghị quyết 26 để thực hiện Nghị quyết Trung ương 36. Sau Hội nghị này, Bộ sẽ rà soát, tổng hợp lại các giải pháp đã triển khai và có 8 đề án đã được phê duyệt, đồng thời có quy hoạch quốc gia về bảo tồn và khai thác. Sau quá trình thẩm định, Bộ đã trình Hội đồng quốc gia, chuẩn bị và thống nhất được ký quyết định quy hoạch quốc gia về bảo tồn. Tiếp đó, là một đề án bảo tồn và tiến tới 3%, và sau quy hoạch sẽ có đề án. Chúng ta đã chuẩn bị một cách rất cụ thể để trình Chính phủ phê duyệt. Đây chính là cơ sở pháp lý rất quan trọng.
“Hau Hội nghị này, chúng ta sẽ định hình ra những giải pháp và tổ chức thực hiện trong thời gian tới với sự quyết tâm cao nhất. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị Chính phủ có chỉ đạo phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên – Môi trường và các bộ, ngành cùng các địa phương cùng thực hiện. Tôi tin rằng, chúng ta có thể hoàn thành được nhiệm vụ bảo tồn theo tinh thần Nghị quyết 36”, ông Tiến nhấn mạnh.
Hồng Hà