(TSVN) – Mặc dù có rất nhiều khó khăn do lực cản từ thị trường, từ giá thức ăn hay những bất ổn chính trị và lạm phát kinh tế trên thế giới, thế nhưng ngành tôm năm 2022 vẫn có những bứt phá ngoạn mục, giá trị xuất khẩu tôm lại lập kỷ lục mới. Nhân dịp năm mới, Đặc san Con Tôm điểm lại những vấn đề nổi bật của ngành tôm trong năm 2022.
Sản lượng tăng mạnh: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2022, sản lượng tôm cả nước đạt 1.124,8 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chủ lực vẫn là tôm nước lợ. Và trong nuôi tôm nước lợ, chủ lực là TTCT. Hiện nay, việc áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh đã giúp tăng mạnh sản lượng tôm nước lợ.
DOC ra kết luận cuối cùng: Ngày 30/8/2022, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong đợt rà soát cuối kỳ lần thứ 3 về thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Trong kết luận cuối cùng của đợt rà soát gần nhất (POR13), DOC đã xác định mức thuế chính thức cho 2 bị đơn bắt buộc và 29 công ty của Việt Nam được hưởng thuế suất riêng lẻ đều ở mức 0%. Đây là tin vui chung cho ngành tôm Việt Nam và là động lực tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Xuất khẩu lập kỷ lục mới: 11 tháng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, tăng mạnh nhất là thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, với mức tăng 63%, đạt 616 triệu USD… Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2022 đạt khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021. Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm tỷ trọng gần 20% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch đạt 727 triệu USD (tính đến hết tháng 10/2022).
TTCT áp đảo: Trong ngành hàng tôm Việt Nam, cả về sản lượng hay xuất khẩu thì TTCT vẫn là sản phẩm chủ lực. Riêng về xuất khẩu, 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu TTCT chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD, tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 0,5 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm sú cả nước 11 tháng đầu năm 2022 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 542,829 triệu USD.
Tôm hùm tạo đột phá: Theo VASEP, 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm hùm đạt 248,151 triệu USD, tăng 930,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm qua, tôm hùm tiếp tục đón niềm vui mới khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Cụ thể, ngày 27/4/2022, Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP Hồ Chí Minh) đã ký kết một hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang TP Côn Minh với số lượng 2.000 tấn, thực hiện đến tháng 4/2023. Đây là hợp đồng xuất khẩu chính ngạch tôm hùm lớn nhất từ trước đến nay đối với doanh nghiệp trong nước.
Chao đảo về giá: Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôm thu hoạch không bán được, giá tôm vì thế “rẻ như cho”, từ 250.000 đồng/kg giảm chỉ còn 70.000 đồng/kg. Chưa kể, sự thất thường của thời tiết khiến người nuôi tôm cũng không kịp trở tay. COVID-19 đã qua nhưng xăng, dầu tăng giá, thức ăn cho tôm cũng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg, thuốc trị bệnh của tôm tăng 12 – 15% so với trước. Chính vì thế, với rất nhiều ao/đầm thì người nuôi chỉ “lấy công làm lãi” và rất lâu mới thu hồi vốn đầu tư.
Tôm Cà Mau vẫn dẫn đầu: Số liệu của ngành nông nghiệp Cà Mau cho biết, diện tích nuôi tôm của tỉnh chiếm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% so với cả nước. Mục tiêu đến cuối năm 2022, sản lượng tôm nuôi của tỉnh đạt trên 220.000 tấn. Con tôm cũng chiếm chủ đạo trong xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau. Theo một số doanh nghiệp thủy sản Cà Mau, hoạt động xuất khẩu tôm của tỉnh thời gian tới diễn biến ổn định và có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hóa.
Dịch bệnh trên tôm nước lợ tăng: Theo thống kê của Cục Thú y, 5 tháng đầu năm, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra nhiều. Trong đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 75 xã của 11 tỉnh, thành phố với tổng diện tích trên 342 ha, tăng 7%; bệnh đốm trắng xảy ra tại 99 xã của 11 tỉnh, thành phố, với khoảng 451 ha, tăng 41,6%; bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô xảy ra tại 6 xã của tỉnh Kiên Giang, diện tích 8,12 ha; bệnh chậm lớn do còi và vi bào tử trùng xảy ra tại 7 xã của 3 tỉnh, diện tích 7,2 ha; bệnh phân trắng 484 ha; bệnh đường ruột 149,5 ha; bệnh đỏ thân 446,5 ha. Ngoài ra, còn có 9.649 ha thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân; gần 187 ha tôm nuôi thiệt hại do biến động môi trường và thời tiết…
Hồng Hà