(TSVN) – Hòn Yến (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An) là một trong những điểm hút khách ở Phú Yên thời gian gần đây. Người dân địa phương gọi đây là Hòn Yến, vì ngày xưa đảo nhỏ có nhiều chim yến về làm tổ.
Hòn Yến nằm giữa biển xanh, đường kính hòn sát mặt nước chừng khoảng 200 m, cao gần trăm mét, gần đó là một hòn núi đá, nhưng thấp hơn. Dưới chân núi đá là những lằn sóng ăn sâu, tạo thành dấu vết thời gian, phía trên là những đường khúc, tầng đá do thiên nhiên tạo nên. Bờ biển Hòn Yến vẫn còn nguyên sơ với cây bàng, phi lao hay xương rồng.
Vào buổi tối, ngư dân chong đèn pha dồn cá vào lưới và dùng các cây sào để xúc cá. Sáng sớm hôm sau, tàu cập bến với những sọt đầy ắp cá cơm ngần. Ảnh: Trần Bảo Hòa
Du khách đến Hòn Yến còn được trải nghiệm du lịch làng nghề đánh cá, tận mắt ngắm nhìn những đoàn tàu tấp nập cập bến lúc sớm tinh mơ, ngư dân hối hả làm việc với những rổ đầy cá tươi rói. Loài cá cơm ngần nhỏ bằng que tăm và thân có màu trắng trong suốt, được xem là đặc sản.
Mỗi lượt đánh bắt thu hoạch được 10 – 20 sọt cá, mỗi sọt tầm 20 kg và bán được với giá khoảng một triệu đồng
“Ngày hy họng” là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Trần Bảo Hòa (Bình Định), trong hành trình “săn” ảnh mùa cá cơm ngần tại vùng biển Hòn Yến, Phú Yên. Luồng cá thân trắng muốt có thể nhìn rõ dưới làn nước biển, trên trời là đàn chim hải âu. Bức ảnh đạt huy chương vàng duy nhất cuộc thi ảnh Đất nước, con người Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2019. Trên đây là một số hình ảnh trong chuyến “săn” cá cơm tại vùng biển Hòn Yến của tác giả Trần Bảo Hòa.
Vào ban ngày, khi phát hiện luồng cá cơm ở độ sâu khoảng 30 – 40 m, các ngư dân dùng lưới bủa vây bắt cá
Không chỉ ngư dân lao động, đàn hải âu cũng sà xuống kiếm chút phần “lợi lộc”