(TSVN) – Người ta nói hễ nhìn vào cảnh vật đẹp đẽ, tức khắc một tâm hồn cũng phải nao lòng. Họ nghĩ chậm lại, sống đỡ vội hơn, thậm chí có khi dừng lại mà ngắm nghía, mà thấm thía. Tôi thì chưa thấy vậy. Hay rằng, do tôi còn quá trẻ?
Ngày ngày, trước mặt tôi vẫn là bầu trời trải rộng. Phóng tầm mắt phía xa, bạn có thể thấy trùng điệp dãy Bạch Mã ẩn hiện trong lớp sương dày cuối đông. Những dãy núi bao trọn gần hết con đầm nước rộng lớn, khiến cho sự hùng vĩ, choáng ngợp của lữ hành phần nào được giảm đi, họ thấy cảnh đẹp vẫn nằm trong sự kiểm soát, chứ không phải theo kiểu đến mức không thốt ra được lời nào. Tùy theo mùa, con đập rút nước còn có thể lộ ra đường đi bộ, họ tới và đi dạo nơi đó, chăm chỉ chụp ảnh và cười tít mắt. Người dân cắm thêm vài cành cây chết, mấy cái xích đu để chiều lòng người thích chụp. Tôi thấy chúng chỉ làm lố bịch thêm cái tình cảnh của những con người này. Thú thật, sở thích của tôi là chiều chiều ra đầm, ngồi xuống góc nhỏ mà ngắm nghía, chủ yếu là con người, vì như tôi đã tâm sự, cảnh đẹp này tôi đã chứng kiến cả cuộc đời, nó phai nhạt đi nhiều phần. Cái vui đó là sự hài hước, những cử chỉ lố bịch của người qua người lại. Và cả cái thế ngồi này, thật chênh vênh trong tư tưởng, vì chỉ bước qua con đường bê tông sau lưng tôi một đoạn, đã là biển cả. Sau lưng tôi là biển cả.
Vì những cơn gió được dãy núi chắn làm cho dịu dàng, khiến bao nhiêu yên tĩnh đổ dồn hết vào mặt đầm. Nếu tôi thích ồn ào hơn, tôi có thể bước ngay ra mặt biển, đặc biệt trong mùa sóng cao bạc đầu, đi dạo ở đó, nghe gió gào thét tới nỗi hét vào mặt và ngắm hội trẻ con chơi bóng hay nghịch cát. Cuối cùng thì tôi đã bước qua lứa tuổi ngây thơ đó. Tuy vậy, tôi vẫn thấy mình ngờ nghệch, đặc biệt trong lựa chọn tương lai. Nghe quả là xa vời! Bởi vì tôi chẳng có lựa chọn gì cả.
Sau khi đám bạn tốt nghiệp phổ thông, lần lượt lên thành phố, đứa nào giỏi chí hơn thì đi xa nữa tới thủ đô hay vào Nam để học hay làm, tôi thấy mình còn lại chơ vơ giữa đất quê hương. Người ta chỉ tôi rằng, với đứa học kém mà nhu mì như tôi, chi bằng ở lại quê, xin chân chạy bàn ở nhà hàng nào đó ven biển. Tôi thấy việc đó không tồi tệ, chí ít khi chưa có suy nghĩ tới cái gọi là tương lai, thì tôi vẫn còn cơ hội được tiếp xúc người này người nọ, họ đem cái tôi không biết tới chính quê hương của mình. Giờ đây, tôi làm việc tại nhà hàng ở ven con đập này. Họ xây dựng hẳn một quần thể nghỉ dưỡng, ăn uống và vui chơi tại chỗ. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi chỉ là chạy bàn, họ bảo gì mình nghe vậy. Không rõ do cảnh sắc thôn quê trôi chậm chạp, hay do tính đãng trí, ngơ đễnh của tôi mà nhiều khi tôi vẫn quên những gì được sai bảo. Thậm chí kể cả là lời nói của thực khách. May thay, chẳng có ai vội trong một chiều hoàng hôn yên ắng.
Tôi còn người cha già. Người mẹ già của tôi xuống mồ, khi ấy đã nằm yên ả ngay vườn rau cạnh nhà tôi. Ngôi nhà cũng đơn sơ không có gì, nhưng chúng tôi tâm niệm người ra đi được ở gần người còn sống là một điều quý giá thời nay, khi đất cát ngày một hiếm. Dọc biển quê tôi, người ta đã dựng nên gần hết những tấm tôn chắn, vài nơi đã xây dựng xong khung sườn của các đế chế nghỉ dưỡng sang trọng và vì lẽ đó, tôi càng có lý do để bám trụ nơi đây. Một ngày, tôi sẽ thấy chúng vươn cao, trỗi dậy những hơi thở quốc tế, đem đến không khí mới và nhiều vui thú hơn cho làng quê vốn dĩ luôn trầm mặc, không phù hợp với tuổi trẻ!
Tôi thích làm việc vào khoảng thời gian này trong năm. Khi lượng khách đến lẻ tẻ, chủ yếu là các cô chú lớn tuổi yêu quý sự yên tĩnh, các đoàn làm việc tranh thủ nghỉ ghé thăm, đôi khi là vài anh chàng chớm trung niên độc thân đi tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn, thì mới mò tới nơi này ngoài mùa du lịch. Bởi vì, tôi có thời gian để không phải nghĩ, thứ ngày càng hiếm hoi trong cuộc đời sớm trưởng thành của tôi và lại lần nữa thả hồn vào không gian tịnh mịch của hoàng hôn. Có lần, tôi nghe một bác già nói, cảnh vật đẹp yên bình như vậy thật dễ để tức khẩu thành thơ, hay là tạo ra những áng văn lai láng để đời. Họ nói cảnh sắc này không thua kém nước ngoài, thậm chí là hơn nhiều nơi trên thế giới (ông viện đến núi Phú Sỹ, và cảnh sắc nào đó tại Đài Loan mà tôi đã quên tên)! Và rồi nó sẽ thấm dần vào bất cứ ai có mặt ở đây đủ lâu… Tôi có suy ngẫm về câu nói đó, nhưng có lẽ để hiểu được chúng thì cần thời gian. Và cần nhiều suy nghĩ! Tôi chỉ lặng lẽ lắng nghe và nhiều lần chìm vào ánh tím dần buồn của hoàng hôn phía xa, nơi một con thuyền đang treo lơ thơ, vài cành cây khô cắm hờ dưới mặt nước, làn gió lạnh hiu thổi, hay con nước chậm rãi chuyển màu từ xanh, hồng sang tím, và đen, thật đồng điệu với nền trời yên ả đầu năm trên xứ Huế mộng mơ.
Đông Sang