T2, 06/07/2020 10:22

Cá voi cứu ngư dân trong bão dữ

Chưa có đánh giá về bài viết

Cuồng phong kèm theo những cột sóng lớn bủa vây rồi nhấn chìm tàu cá, số phận ngư dân trở nên mong manh. Đúng lúc ấy, cá voi xuất hiện, trở thành phao cứu sinh cho nhiều người bám trụ và sống sót kỳ diệu.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải kể về chuyện cá Voi cứu sống mình cùng 20 ngư dân trong bão năm 1991. Ảnh: Trí Tín. 

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải kể về chuyện cá voi cứu sống mình cùng 20 ngư dân trong bão năm 1991. Ảnh: Trí Tín.

Đã từ lâu trong tâm thức ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), loài cá voi (còn gọi cá Ông) là vật linh, vị thần độ mạng và là nơi gửi gắm niềm tin trong những ngày tháng lênh đênh trên biển.

Với người dân địa phương, chuyện cá Ông cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Công cùng 11 ngư dân ở xã An Vĩnh lạc giữa tâm bão số 9 năm 2009 được ví như cổ tích. Hôm ấy, kết thúc phiên biển đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trên đường trở về chỉ còn cách đảo Lý Sơn khoảng 7 hải lý thì tàu cá của anh Công gặp nạn.

“Tàu chết máy, chao đảo trong tâm bão khiến anh em hoảng sợ. Trong phút lâm nguy, ông bất ngờ xuất hiện với dòng nước phụt lên trời cao vút. Dường như ông ghé lưng làm điểm tựa cho tàu giữ được thăng bằng, chúng tôi vừa mừng vừa sợ nhưng cuối cùng đã vượt qua cơn bão, trở về an toàn”, anh Công kể.

Sau khi đưa tàu về gần đảo Lý Sơn, dù lưng trầy xước chảy máu, cá Ông bơi lượn một vòng rồi quẫy đuôi quay ra biển. Tri ân công ơn cứu mạng của “ngài”, anh Công cùng 11 ngư dân đã ăn chay ba tháng liền. Từ đó người thuyền trưởng cũng tình nguyện thờ phụng, lo nhang khói cho Lăng Cồn, nơi thờ tự cá Ông (Nam Hải Đại tướng quân) quê mình.

Nói về chuyện cá Ông cứu người, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải bảo, khó có thể đếm được số ngư dân trên đảo Lý Sơn được cá cứu sống giữa những cơn bão biển khốc liệt. Bản thân ông cùng 20 ngư dân cũng là những nhân chứng sống được “ngài” cứu về từ cõi chết.

 

Lăng Đông Hải, một trong những di tích lịch sử văn hóa ở đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều bộ xương cá voi hơn 100 năm tuổi. Ảnh: Trí Tín.

Ông Chinh kể, ngày 17/5/1991, với vai trò thuyền trưởng, ông Chinh cùng 20 ngư dân đang đánh bắt ở gần đảo BomBay thuộc vùng biển Hoàng Sa thì gặp bão. Sóng lớn đánh nước tràn vào khiến tàu chìm. Các ngư dân chấp chới giữa biển. Trong lúc tính mạng “nghìn cân treo sợi tóc” bỗng phía trước cá Ông nổi lên như gò đá đen rộng lớn.

“Chúng tôi nằm trên lưng cá trôi dạt nhiều ngày liền, vớt rong biển ăn cầm hơi, uống nước tiểu lẫn nhau sống sót qua ngày. Sau đó chúng tôi được tàu của ngư dân Sa Huỳnh (cùng quê Quảng Ngãi) kẹp sát, thả ghe thúng bơi lại gần đưa mọi người qua tàu”, ông Chinh nhớ lại.

Được cứu nhưng cũng chưa an toàn do tàu cá Sa Huỳnh gần cạn nhiên liệu, các ngư dân phải dồn sức phá giàn tre phơi mực nồng vôi, lấy dây cước may chăn màn, bao tải căng buồm lợi dụng sức gió chạy tàu về đất liền. Cá Ông vẫn bơi phía trước dẫn đường suốt hai ngày đêm thì gặp tàu ông Lê Kỳ (quê ở đảo Lý Sơn) ứng cứu. Lúc ấy các ngư dân đều kiệt sức, được ông Kỳ đưa lên tàu cho ăn cháo loãng, uống sữa hồi phục sức khỏe rồi chở về đất liền.

“Thoát chết trong trận bão ấy, anh em chúng tôi ăn chay, nguyện không sát sinh cả tháng trời để tạ ơn cá Ông cứu mạng, sau đó mới tiếp tục vay mượn tiền, góp vốn đóng tàu mới ra khơi”, ông Chinh nói.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân đảo Lý Sơn còn truyền tụng câu ca tri ân cá Ông cứu người: “Lăng Ông thánh độ vững như sơn/ Yếu điểm trung tâm nghĩa với nhơn (nhân)/ Một dạ tu bồi hằng giữ pháp/ Hai tay đắp lũy để đền ơn”. (Thơ của ông Mai Triết, người từng được cá voi cứu sống).

Bộ xương cá Voi 

Bộ xương cá voi khổng lồ dài hơn 20 m đang lưu giữ ở Lăng Tân, huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín.

Nhớ ơn vị ân nhân của biển cả, người dân luôn thờ tự cá Ông. Trong hàng chục lăng thờ cá Ông ở Lý Sơn, lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) ở thôn Đông, xã An Vĩnh là nơi có nhiều bộ xương cá voi có niên đại hơn 200 năm và lớn nhất trên đảo. Lăng Tân còn lưu giữ hai bộ xương cá voi khổng lồ, trong đó cá voi xám (ông Đại Dương) dài 21 m, lúc còn sống nặng khoảng 72 tấn và cá voi lưng gù (ông Đức Ngư) dài 17 m, nặng 55 tấn. Hiện lăng Tân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhiều lăng khác như: Cồn, Đông Hải… lưu giữ cá voi trên đảo Lý Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Điệt, chủ vạn lăng Đông Hải cho biết, hàng năm vào chiều mùng 7 đến sáng mùng 8 Tết Nguyên đán, dân làng cùng các chủ tàu cá tự nguyện góp công sức, tiền bạc mua heo, gà, mâm cỗ thịnh soạn dâng lên ngày lễ tế cá Ông. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, lễ cầu ngư, hội đua thuyền tứ linh Long, Ly, Quy, Phụng diễn ra sôi nổi. Sau đó ngư dân xuất quân ra khơi mở biển, mang theo nguyện ước năm mới đầy may mắn, phiên biển luôn bội thu thủy sản.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn hiện là nơi lưu giữ xương cá voi vào loại nhiều nhất nước. Hàng chục lăng trên đảo đang thờ tự loài cá này theo nghi thức tín ngưỡng dân gian miền biển. “Xâu chuỗi lại có thể xem đây là bảo tàng xương cá voi độc đáo gắn liền với hành trình khai khẩn, xây dựng huyện đảo Lý Sơn từ hàng trăm năm qua”, ông Vũ nói.

Trí Tín

Vnexpress

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!