(TSVN) – Ngày 28/3/2023, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
– Thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với an ninh lương thực trong khu vực và thế giới.
– Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm.
– Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm gắn liền với phát triển nông nghiệp sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu…
Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững, dựa trên lợi thế địa phương; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và dinh dưỡng quốc gia; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam và toàn cầu.
Một số chỉ tiêu đặt ra đến đến năm 2030
– Duy trì kim ngạch xuất khẩu lương thực thực phẩm trên 30 tỷ đô la Mỹ/năm.
– Tỷ lệ diện tích được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi chiếm trên 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Số vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được đăng ký chứng nhận tăng 5%/năm.
– Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương ở mức trên 30%.
– Diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
– Tổn thất sau thu hoạch các nông lâm thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1,0%/năm.
– Tỷ lệ giá trị nông sản chế biến trong tổng giá trị sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản ở mức trên 50%.
– Trên 50% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
– Phát thải khí nhà kính từ hệ thống lương thực thực phẩm giảm 10% so với năm 2020.
– Rà soát và xây dựng chính sách thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp, góp phần hình thành các vùng sản xuất bền vững theo vùng sinh thái.
– Xây dựng và phát triển cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực quản trị đối với hệ thống lương thực thực phẩm.
– Cập nhật và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, quy trình quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nông nghiệp sinh thái và phát thải thấp; Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, phân phối và tiêu dùng thực phẩm xanh, an toàn và có truy xuất nguồn gốc; Rà soát và xây dựng chính sách nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong phát triển chuỗi ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững…
– Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm và bền vững.
– Nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng các giống và biện pháp kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu cao với điều kiện bất thuận phù hợp với các vùng sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh.
– Triển khai áp dụng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đối với mọi loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc đối với lương thực thực phẩm.
– Xây dựng và chuyển giao các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sinh thái; Tăng cường ứng dụng công nghệ số điều khiển hệ thống canh tác nông nghiệp chính xác, theo dõi phát thải khí nhà kính cho các chuỗi giá trị sản phẩm lương thực thực phẩm chủ lực; Tăng cường điều phối liên ngành nhằm ứng dụng cách tiếp cận Một sức khỏe (bao gồm sức khỏe con người, động vật, cây trồng, môi trường) trong quản trị chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm…
Cùng đó, phát triển hệ thống chế biến và phân phối lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững như: Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm theo hướng trách nhiệm và bền vững; Xây dựng và phổ biến các mô hình liên kết chuỗi cung ứng tích hợp đa giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản lương thực thực phẩm.
Bảo Hân