Các ngư dân không chỉ có nhiệm vụ đánh bắt thủy sản mà còn là những người lính trên biển thực sự.
“Ngư dân ra khơi đánh bắt cá ở Hoàng Sa – Trường Sa là đang thay mặt cho cả nước bảo vệ chủ quyền. Họ là những người làm nhiệm vụ kép. Nếu một ngày, một tháng hay một năm biển Hoàng Sa ít có sự hiện diện của các ngư dân Việt Nam thì quyền chủ quyền của chúng ta đối với vùng biển thiêng liêng này sẽ bị giảm sút”.
Đó là ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử TP Đà Nẵng, tại cuộc đối thoại và hiến kế để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của hơn 350 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khối doanh nghiệp miền Trung-Tây Nguyên, diễn ra chiều 10/5 tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa
“Thời gian qua, Trung Quốc liên tục cản trở tàu cá, thậm chí bắn cháy cabin tàu cá Quảng Ngãi đang khai thác trên vùng biển chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Vậy Nhà nước đã có chính sách gì để hỗ trợ các ngư dân? Nếu chúng ta không hỗ trợ ngư dân thì chẳng ai dám ra đánh bắt nữa. Tôi thấy các ngư dân không chỉ có nhiệm vụ đánh bắt mà họ là những người lính trên biển thực sự” – một thanh niên đến từ tỉnh Đắk Nông đặt vấn đề.
Các thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khối doanh nghiệp miền Trung-Tây Nguyên đang tìm hiểu chủ quyền về Hoàng Sa – Trường Sa qua các tư liệu, bản đồ được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Lê Phi
Theo ông Tiếng, hiện Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nhưng vẫn chưa đủ. “Tôi tin là Nhà nước sẽ có các chính sách tiếp theo. Nhà nước cũng cần có chính sách công nhận các ngư dân đang đánh bắt trên hai vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa không may chết, mất tích hay bị tàu Trung Quốc bắn cháy… là những liệt sĩ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc” – ông Tiếng đề xuất.
Giáo dục ý thức chủ quyền từ tiểu học
Hiến kế để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, các đại biểu thanh niên đưa ra một số đề xuất như: Phải đưa các tài liệu lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa vào các sách giáo khoa dành cho học sinh ngay từ bậc tiểu học. “Chắc chắn việc đấu tranh đòi chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam sẽ còn kéo dài. Nếu chúng ta ngay từ bây giờ không đưa vào sách giáo khoa các tư liệu này thì các em sẽ không thể tiếp cận được. Chúng ta phải cung cấp đầy đủ các thông tin về Hoàng Sa – Trường Sa ngay trong sách giáo khoa, để nếu chúng ta chưa đòi được các hòn đảo đã bị chiếm mất thì con cháu chúng ta còn biết để tiếp tục đòi” – một thanh niên góp ý.
Một số đại biểu khác thì cho rằng hiện TP Đà Nẵng đã có đường mang tên Hoàng Sa – Trường Sa chạy dọc ven biển. Vì vậy, TP nên nghiên cứu phiên âm và chú thích cả tên tiếng Anh và tiếng Việt trên bảng ghi tên đường để du khách được biết. Đặc biệt, chính quyền TP nên gắn cả những bản sao về bản đồ, tư liệu, tên các đảo của Hoàng Sa – Trường Sa (cả đảo đang còn và đảo bị Trung Quốc chiếm đóng – PV) trên hai con đường này để nhân dân cả nước mỗi lần về thăm hay du khách đều có thể biết thông tin về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
>> Cùng ngày, đoàn đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khối doanh nghiệp miền Trung-Tây Nguyên đã tham quan triển lãm có chủ đề “Hoàng Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử”. Triển lãm trưng bày nhiều tài liệu, bản đồ, các đề tài nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa gồm: 95 bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa do các nước phương Tây xuất bản; các bản đồ và Atlas do ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Mỹ, trao tặng; các bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) xuất bản năm 1904; các tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thuộc phông tư liệu Đệ nhất, Đệ nhị, Phủ Thủ tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Đặc biệt, triển lãm còn có các hình ảnh về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn và các chứng tích về đội hùng binh đi cắm mốc chủ quyền tại Hoàng Sa – Trường Sa từ xa xưa. |