(TSVN) – Con giống được xem là “xương sống” của ngành thủy sản nhưng nhiều năm qua nhiều hạn chế vẫn chưa được giải quyết. Việc sản xuất con giống chủ yếu là manh mún, tự phát, không theo một quy chuẩn cụ thể nào, số lượng giống bố mẹ cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Do đó, rất cần có những chính sách căn cơ cho phát triển giống thủy sản.
Là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, hàng năm kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng trên 40%, cá tra chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, câu chuyện về phát triển giống cho tôm và cá tra vẫn còn nhiều bất cập khiến các sản phẩm này bị hạn chế tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Khảo sát của VASEP cho thấy, với diễn tiến như hiện nay thì năm 2023 lượng nguyên liệu tôm nuôi trong nước có thể chỉ đảm bảo 40 – 50% nhu cầu sản xuất. Chất lượng đầu vào thấp dẫn đến tình trạng tôm nuôi chết trên diện rộng ở một số nơi (tỷ lệ tôm nuôi thành công hiện nay tầm 40%)… Nguyên nhân do con giống ban đầu không tốt, không đồng đều, dễ bị nhiễm bệnh, tôm nuôi chậm lớn, môi trường nước bị ô nhiễm dẫn đến dễ lây lan dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây bất lợi trong nuôi tôm…
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Trà Vinh, bình quân trong 5 năm gần đây nguồn tôm giống tôm sú, TTCT được sản xuất tại địa phương chỉ mới đáp ứng từ 20 – 26%/năm so nhu cầu cho vùng nuôi tôm nước lợ và mặn trong tỉnh, hàng năm tỉnh phải nhập khoảng 10 – 15 tỷ con giống. Nhưng hiện nay, gần 30% con giống nuôi trong tỉnh phải nhập từ các tỉnh khác từ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Trong khi đó, điều kiện tự nhiên Trà Vinh tương đồng với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu… đó là một thiệt thòi và dẫn đến thiệt hại rất lớn nếu không kiểm soát tốt chất lượng con giống, khi nông dân nhập về thả nuôi.
Cải thiện chất lượng tôm giống sẽ là đòn bẩy gia tăng khả năng cạnh tranh cho ngành tôm. Ảnh: PTC
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng hàng năm nhu cầu giống tôm nước lợ của tỉnh dao động từ 18 – 20 tỷ con. Trong khi các trại sản xuất giống trong tỉnh đáp ứng khoảng 10% nhu cầu giống nuôi của nông dân. Bên cạnh đó, môi trường và chất lượng nước phục vụ NTTS ngày càng ô nhiễm, do các hoạt động sản xuất thải trực tiếp ra môi trường làm tăng thêm chi phí xử lý môi trường, dễ xảy ra dịch bệnh, làm tăng rủi ro trong quá trình nuôi.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết, khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho thấy, quý III và IV/2023 có thể thiếu cá nguyên liệu cục bộ do giá cá giống quá cao và chất lượng cá giống không tốt, tỷ lệ chết nhiều. Trong khi trước đó, do tình hình thị trường khó khăn nên doanh nghiệp đã giải phóng bớt lượng hàng tồn kho giá cao để đảm bảo dòng tiền và hiện hàng chỉ còn đủ dùng đến quý II. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, con giống đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay của ngành tôm. Thời gian qua, tôm giống kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt khi xuất và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẻo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng… Cùng đó là việc không đủ lượng tôm giống chất lượng để nuôi, dẫn đến hệ lụy là khi thả nuôi thì tôm bị mắc nhiều bệnh, môi trường nước ô nhiễm.
Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng thông tin, năm 2008, Viện Nghiên cứu NTTS III đầu tư xây dựng Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên với tổng diện tích 5 ha. Ở trạm này, đơn vị đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và sản xuất thử nghiệm các đối tượng cá nước lạnh. Hiện nay, Trạm lưu giữ được đàn cá tầm bố mẹ và hậu bị với khoảng 500 cá thể, tổng khối lượng 7,5 tấn. Trong đó bao gồm 4 loài là: cá tầm Xiberi (Acipenser baerii), cá tầm Beluga (Huso huso), cá tầm Nga (Acipenser gueldenstaedtii), cá tầm Sterlet (Acipenser ruthenus). Trạm cũng lưu giữ khoảng 200 cá hồi bố mẹ và hậu bị. Mỗi năm, Trạm sản xuất khoảng 30.000 – 40.000 con cá giống để phục vụ sản xuất, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Trung.
Đến đầu năm 2023, toàn tỉnh An Giang có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra, với trên 41.220 con cá bố mẹ; trong đó 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản có chất lượng tốt từ Viện Nghiên cứu NTTS II để bổ sung thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống. An Giang cũng phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện “Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang”. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT An Giang, toàn tỉnh hiện có diện tích mặt nước nuôi cá tra giống 910 ha, dự kiến năm 2023 toàn tỉnh sẽ tăng thêm 70 ha diện tích mặt nước nuôi cá tra giống.
Thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho thấy, giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận 25.700 con cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh từ Viện Nghiên cứu NTTS II và chuyển giao cho 15 cơ sở sản xuất giống đáp ứng điều kiện. Tổng sản lượng cá tra bột sản xuất từ năm 2020 – 2022 khoảng 15,3 tỷ bột, cung cấp khoảng 0,7 tỷ con cá tra giống. Nhưng để đảm bảo nguồn con giống có chất lượng tốt và từng bước thay thế dần đàn cá tra bố mẹ địa phương đang có dấu hiệu bị thoái hóa; UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT một số nội dung như: Chỉ đạo Viện Nghiên cứu NTTS II tiếp tục chuyển giao cho địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống mang tính trạng kháng bệnh nguy hiểm như gan, thận mủ; đồng thời, hỗ trợ Đồng Tháp thực hiện nghiên cứu một số bệnh nguy hiểm mới phát sinh trên cá tra ở giai đoạn ương dưỡng và nuôi thương phẩm, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Xem xét phân bổ nguồn vốn để tỉnh triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất giống tập trung theo Công văn số 244/UBND-KT ngày 21/3/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc đề xuất dự án Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao tỉnh Đồng Tháp. Chỉ đạo đơn vị chuyên môn tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện công bố hợp quy đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản…
An Xuyên – Hồng Hạnh