T6, 26/05/2023 02:34

“Áo mới” làng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” kỳ vọng tạo điểm nhấn mới về du lịch (DL) tại TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) và vùng lân cận. Qua đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm DL địa phương, kiến tạo không gian trải nghiệm mang nét đặc trưng của vùng đất đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long.

Từ lâu, làng bè Châu Đốc trở thành điểm đến đặc trưng, thu hút du khách mỗi khi đến với thành phố trẻ. Bởi lẽ, ngoài việc ghé thăm miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lắng nghe câu chuyện linh thiêng được lưu truyền từ thời mở đất, du khách còn có thể thăm thú cảnh sắc thiên nhiên thanh bình, nhất là hình ảnh làng bè yên ả nép mình bên sự náo nhiệt của đô thị vùng biên.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “Làng bè Châu Đốc là biểu tượng minh chứng thời kỳ “vàng son” của ngành chăn nuôi cá tra, cá ba sa ở ngã ba sông Châu Đốc. Hiện nay, thời “vàng son” đã lùi xa, nhưng giá trị văn hóa của làng bè vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu phát triển làng bè thành sản phẩm DL đặc trưng cho văn hóa sông nước An Giang”.

Theo ông Lê Trung Hiếu, làng bè ngã ba sông Châu Đốc trước đây nằm trong tour, tuyến DL lữ hành dành cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mức độ khai thác chưa tương xứng với tiềm năng của nơi này. Do đó, việc phát triển sản phẩm DL mới từ làng bè Châu Đốc là cần thiết, nhằm “đánh thức” giá trị văn hóa đặc trưng, vẻ đẹp hữu tình của TP. Châu Đốc và vùng lân cận. Thực tế, làng bè Châu Đốc còn mang trong mình câu chuyện hình thành, phát triển sôi động và trở về với sự bình yên như hiện nay. Do đó, nơi đây hứa hẹn là điểm nhấn về DL cho ngã ba sông Châu Đốc, nơi “gặp nhau” của 3 địa phương: TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và huyện An Phú.

làng bè sông Châu Đốc

Vẻ đẹp thơ mộng của làng bè tại ngã ba sông Châu Đốc

Dự kiến, “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” sẽ gồm 161 nhà bè, được sơn 6 màu: Đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Từ trên cầu Cồn Tiên nhìn xuống, làng bè với những mảng màu đan xen kết nối, tạo nên cảnh quan rực rỡ, bắt mắt. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách thưởng lãm phong cảnh, có những bức ảnh “check-in” độc đáo, mang đậm dấu ấn sông nước An Giang.

Bà Nguyễn Thị Anh Tú (Công ty Alden Travel) cho biết: “Là doanh nghiệp DL lữ hành tại TP. Châu Đốc, chúng tôi thường xuyên tiếp đón khách nước ngoài đến tham quan. Thực tế, du khách nước ngoài rất ấn tượng với tour tham quan tại làng bè ngã ba sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu), làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú)… Đó là cơ hội để chúng tôi kết nối hoạt động DL cộng đồng, DL sinh thái, DL văn hóa tâm linh cùng các giá trị văn hóa địa phương vào cùng 1 tour, để du khách có trải nghiệm mới mẻ, đa dạng hơn”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Anh Tú, công ty đang phát triển một số sản phẩm mới, trên cơ sở tiềm năng DL hiện có tại TP. Châu Đốc và vùng lân cận. Trong đó, tổ chức ăn trưa cho du khách trên làng bè, tập trung vào đặc sản của An Giang mùa nước nổi. Dự án “Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc” được triển khai, sẽ tạo điều kiện để công ty đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám phá thiên nhiên, nét đẹp văn hóa vùng đất đầu nguồn cho du khách.

Việc tô điểm thêm sắc màu cho làng bè Châu Đốc chỉ là một phần trong mục tiêu hình thành sản phẩm DL mới tại địa phương. Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh vận động hộ dân làng bè đa dạng hóa dịch vụ, như kinh doanh ăn uống hay tổ chức loại hình văn nghệ dân gian phù hợp.

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy hầu hết hộ dân được chọn thực hiện dự án tại thị trấn Đa Phước (huyện An Phú) đều rất tán thành. Đây là tiền đề quan trọng để chúng tôi phối hợp với UBND huyện An Phú sớm đưa dự án thành hiện thực. Mục tiêu chủ yếu, ngoài tạo sản phẩm DL mới, đáp ứng nhu cầu du khách, còn nhằm tăng nguồn thu cho người dân làng bè. Nếu trước đây, du khách chỉ tham quan làng bè, cho cá ăn rồi di chuyển nơi khác, thì nay họ có thêm lựa chọn thưởng thức món ăn đặc sản, thưởng thức tiết mục văn nghệ trong không gian thoáng đãng, mát mẻ và bình yên của ngã ba sông Châu Đốc” – ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp UBND huyện An Phú phát triển trở lại các làng nghề, loại hình văn nghệ đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm; nâng cao đời sống kinh tế cho đồng bào khi tham gia hoạt động DL cộng đồng tại địa phương. “Chúng tôi mong rằng, dự án sẽ được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của người dân làng bè và chính quyền địa phương. Qua đó, tạo thêm sản phẩm mới, góp phần nâng cao chất lượng DL của tỉnh nhà, đa dạng hóa trải nghiệm của du khách khi đến với ngã ba sông Châu Đốc. Bởi lẽ, nơi đây sở hữu giá trị văn hóa trăm năm với tình đoàn kết của các dân tộc, làm nên sự trù phú, sầm uất cho TP. Châu Đốc và vùng lân cận” – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu kỳ vọng.

Thanh Tiến

Nguồn: Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!