(TSVN) – Xuất khẩu tôm những tháng đầu năm 2023 giảm, kéo theo giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh. Cuối tháng 5/2023, giá mua tôm của người nuôi ở ĐBSCL đã giảm 20 – 30% so với đầu năm.
Chẳng hạn với TTCT loại 20 con/kg giảm xuống 200.000 đồng/kg (đầu năm là 280.000 đồng/kg), loại 30 con/kg giá 130.000 đồng (đầu năm 180.000 đồng/kg), loại 40 con/kg giá 115.000 đồng/kg (đầu năm 170.000 đồng/kg), loại 100 con/kg giá 80.000 đồng/kg (đầu năm 100.000 đồng/kg). Một số nơi, người nuôi tôm bị lỗ, đã ngừng nuôi.
Dù nhiều khó khăn, các địa phương ở ĐBSCL vẫn đẩy mạnh việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm, một vấn đề khá cơ bản trong xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, giữ thị trường. Việc này đặt ra đã nhiều năm nhưng kết quả đạt được còn rất thấp, hiện nay trong khó khăn càng bức bách thực hiện để hạn chế thiệt hại. Hơn nữa, thực trạng tôm nguyên liệu giảm giá đang buộc việc nuôi nhỏ lẻ, tự phát phải điều chỉnh cũng là cơ hội thúc đẩy liên kết xây dựng các vùng nuôi có diện tích lớn, được cấp mã số.
Thống kê của Cục Thủy sản, khu vực ĐBSCL có 494.635 cơ sở nuôi tôm nước lợ phải thực hiện đăng ký cấp mã số. Kết quả đến nay còn rất hạn chế. Tỉnh Bạc Liêu có chủ trương xây dựng trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, có 49.800 cơ sở nuôi tôm cần phải cấp mã số nhưng mới 3.484 cơ sở được cấp, đạt gần 7% yêu cầu. Tổng diện tích của 3.484 cơ sở này chỉ có 6.624 ha với 9.403 ao.
Tỉnh Kiên Giang có nhiều diện tích tôm – lúa, tôm quảng canh cải tiến và đã được cấp mã số cơ sở nuôi đạt tỷ lệ cao nhất ĐBSCL, cũng là cao nhất nước. Đến hết tháng 1/2023, tỉnh đã cấp mã số cho gần 27.400 cơ sở, đạt gần 79% trong 34.700 cơ sở cần cấp ngay và chiếm hơn 10% mã số đã cấp của cả nước. Trong đó, huyện An Minh đạt kết quả cao nhất, với gần 8.460 hộ đủ điều kiện cấp mã số vùng nuôi, đã cấp trên 99%.
Tuy nhiên, ở huyện An Minh tổng cộng có gần 16.000 hộ cần cấp mã số cơ sở nuôi, cho nên nếu so sánh với số đã cấp thì tỷ lệ chỉ đạt khoảng 50%. Còn cả tỉnh Kiên Giang có hơn 42.900 cơ sở nuôi tôm nên tính ra tỷ lệ đã cấp mã số sẽ thấp hơn con số 79%. Tương tự ở tỉnh Bạc Liêu đang phấn đấu thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, số đã cấp so với tổng số cơ sở nuôi cũng sẽ thấp hơn 7%.
Nhiều cơ sở chưa thể đăng ký cấp mã số nhận diện do đất không có quyền sử dụng, hoặc diện tích nhỏ và cả không có khả năng thực hiện. Các địa phương đang tập trung hỗ trợ người nuôi tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh hồ sơ để đẩy nhanh việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm. Ngành quản lý đất đai cùng vào cuộc và các ngành thống nhất quy trình thực hiện công khai, đảm bảo đúng pháp luật.
Việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Việc làm vừa góp phần phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường vừa phát triển hiện đại một ngành kinh tế. Hy vọng trong năm nay hàng trăm nghìn mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm sẽ được cấp, tiến thêm một bước căn bản xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.