Với người dân vùng bãi ngang tại Quảng Trị, quãng từ tháng 5 – 8 hằng năm là thời gian lý tưởng để giong thuyền ra biển buông cần câu cá. Mỗi làng chài sẽ có nhiều nghề câu khác nhau nhưng đa số vẫn hành nghề câu vàng, câu lông, câu thẻo, câu rường… để đánh bắt nhiều loại thủy sản từ sinh sống gần bờ cát đến vùng biển có rạn san hô. Mùa câu thường mang lại niềm vui cho mỗi ngư dân nơi miền chân sóng.
Tuổi thơ trai tráng làng biển gắn liền với cát, sóng và gió. Ở độ tuổi 13 – 14, nhiều người đã được ba và các bác, các chú cho đi theo ra biển để câu cá, thả lưới. Bùi Văn Diễn ở thôn Hà Lợi Trung là một ví dụ. Năm nay 28 tuổi nhưng Diễn đã được ba cho đi câu từ hơn 10 năm về trước. Nay, Diễn là tay câu thạo nghề.
Cùng ba mang đồ nghề về phía biển đi câu, Diễn nói: “Mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng biển nhưng có người vừa leo lên ghe (thuyền), vượt qua con sóng đầu tiên thì đầu óc đã choáng váng, lắc lư. Đi thêm vài sải nước nữa là nôn thốc nôn tháo vì say sóng. Tuy nhiên đây là số ít. Bởi có người thần kinh vững, sức khỏe tốt lại thích ngồi trước mũi ghe để trải nghiệm cảm giác mạnh mỗi khi chiếc ghe trồi lên, chúi xuống theo từng đợt sóng bạc đầu”.
Chỉ cần có 1 chiếc ghe lắp máy công suất và bộ đồ nghề là có thể giông thuyền ra biển câu cá – Ảnh: TRẦN TUYỀN
Mùa câu thường kéo dài từ độ tháng 5 – 8. Quãng thời gian này thời tiết thuận lợi, nắng nhiều mưa ít. Mà nghề biển, hễ đến mùa mưa thì chỉ còn cách ngồi bó gối ở nhà. Vì vậy, tranh thủ những ngày nắng, ngư dân tăng chuyến ra khơi để cải thiện thu nhập cho gia đình. Đầu giờ chiều, ánh nắng còn gay gắt nhưng trên bãi biển, những người đàn ông với lỉnh kỉnh đồ nghề đã có mặt rất đông. Sau một hồi soạn sửa, ông Bùi Văn Dỏ (ba của Diễn) gọi tôi lên ghe rồi nổ máy, đưa chiếc ghe chầm chậm rời bờ.
“Nghề câu ở vùng bãi ngang không cần bỏ số vốn lớn. Chỉ cần có 1 chiếc ghe lắp máy công suất nhỏ hoặc thuyền thúng và bộ đồ nghề là có thể giong thuyền ra biển”, ông Dỏ giới thiệu.
Đoạn, ông Dỏ đưa bộ câu lông để tôi mục kích rồi nói thêm: câu lông thường dùng để câu các loại cá ở gần tầng đáy như cá trạng, cá ngân, cá ghé, cá ong, các loại cá sinh sống ở rạn san hô… Bộ câu lông gồm 1 cần câu, cuộn dây cước cỡ nhỏ, bền chắc. Phía đầu dây câu có 1 quả đòi (được làm từ sắt hoặc chì) nặng. Cách quả đòi vài gang tay người lớn được buộc khoảng 5 – 10 lưỡi câu nhỏ. Trên mỗi lưỡi câu được tóm vào 1 chụm lông ngũ sắc bằng sợi nilon để dụ cá.
Số cá câu được sẽ bán ngay tại bãi biển cho khách, thương lái hoặc mang đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng – Ảnh: TRẦN TUYỀN
Chạy được khoảng vài chục phút, ông Dỏ tắt máy cho ghe chầm chậm trôi. Như đã hiểu ý, hai người đàn ông không cần nói với nhau lời nào. Ông Dỏ thả neo, trong khi đó Diễn cẩn thận chuẩn bị đồ nghề và lựa chọn vị trí ngồi phù hợp.
Trên mặt biển dập dềnh, 2 người đàn ông cầm cần câu khéo léo bạt quả đòi ra xa, cách mạn ghe vài mét rồi thả cho cuộn dây cước quay tự do. Khi quả đòi chạm đáy biển, họ nhịp nhàng nhấc cần câu lên xuống để cá nhầm tưởng chụm lông ngũ sắc là con mồi sẽ lao đến đớp. Được một lúc, cảm thấy phía đầu dây nặng hơn và giật giật, ông Dỏ khéo léo cuốn dây câu. Từ dưới mặt nước, những con cá chao liệng chấp chới hòng thoát khỏi lưỡi câu đã cắm vào miệng. Sau một hồi quần thảo, 3 con cá trạng có kích thước gần bằng bàn tay người lớn nằm gọn trên lòng nan ghe.
“Nếu cảm thấy dây câu nặng cứng thì phải giữ chặt sau đó mới chầm chậm cuốn dây. Bởi lúc này con cá đang cố gắng bơi về phía đáy biển, nếu cố gắng kéo dây thì sẽ làm đứt dây cước hoặc rách miệng cá, cá sẽ thoát mất”, ông Dỏ chia sẻ ngón nghề câu lông.
Qua nhiều thế hệ mưu sinh nhờ biển, ngư dân bãi ngang đã có những cải tiến cho phù hợp để câu được nhiều loại thủy sản hơn. Ngoài câu lông, ngư dân nơi đây còn có nghề câu thẻo, câu vàng, câu rường… Câu thẻo và câu vàng chủ yếu để câu mực ống và mực lá.
Ông Hoàng Văn Dường, một ngư dân có thâm niên trong nghề câu mực ở thôn Cang Gián cho hay, thẻo dùng để câu mực ống, có hình dáng con tôm biển với chất liệu bên trong là chì, bên ngoài được trang trí bằng những sợi dây nilon, kim tuyến đủ sắc màu và có thể phát sáng vào ban đêm để thu hút mực.
Đầu con tôm giả được buộc vào dây cước, đuôi gắn rất nhiều lưỡi câu nhọn, sắc cạnh chỉa ra tua tủa đối xứng để khi mực bắt mồi vào sẽ bị mắc ngay. Mỗi dây câu có thể gắn vào 1 – 3 thẻo. Còn câu vàng dùng để câu mực lá có cấu tạo khá phức tạp. Một vàng gồm đoạn dây cước dài và nhiều thẻo kết lại, trung bình mỗi vàng có khoảng 50 thẻo. Thẻo được gắn đều dọc theo chiều dài của dây, cách 10 m buộc 1 thẻo. Một vàng câu có chiều dài trung bình từ 500 – 1.000 m.
Khi ra đến ngư trường cách bờ khoảng 4 – 6 hải lý, người câu sẽ thả vàng câu xuống biển sao cho các lưỡi câu gần chạm đáy và phía trên có phao đánh dấu. Khi nào mực cắn câu, người câu sẽ nhìn vào phao mà lần lên. Hầu hết, ở các làng biển bãi ngang trong tỉnh đều có nghề câu mực. Nếu nghề câu lông chỉ câu vào buổi ngày thì câu thẻo, câu vàng có thể câu vào ban đêm dưới ánh đèn điện.
Biển bãi ngang xã Trung Giang, huyện Gio Linh – Ảnh: TRẦN TUYỀN
“Toàn thôn Cang Gián hiện có khoảng 50 ghe công suất từ 8 – 15 CV, 30 thuyền thúng không lắp máy. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 – 30 ghe và thuyền thúng hành nghề câu mực. Nghề câu mực ống bằng thẻo đã có ở vùng biển này từ xa xưa, còn nghề câu vàng thì mới du nhập về thôn vài năm nay thôi. Đa số những ghe hành nghề câu mực đều có nguồn thu nhập tương đối cao vì mực luôn được giá”, ông Dỏ kể.
Ở vùng biển bãi ngang còn có nghề câu rường, dùng để câu cá nóc gạo (phần sống lưng màu xanh, hai bên có vạch vàng, dưới bụng trắng, không có độc, ăn được). Rường có cục chì hoặc sắt lớn, được buộc dưới nhiều lưỡi câu làm bằng thép, kích cỡ khoảng 1,8 mm. Vì lưỡi câu lớn, trọng lượng nặng nên bộ câu rường thường sử dụng dây to.
Khác với những nghề ở trên là không cần mồi, để câu được cá nóc, người câu phải dùng mồi tươi là những con cá nhỏ. Loài cá nóc sinh sống ở tầng nổi nên khi giong thuyền ra đoạn cách bờ vài hải lý, người câu thả rường xuống nước khoảng vài mét rồi nhanh tay kéo lưỡi câu lên thuyền. Cá nóc là loài có hàm răng sắc nhọn nên nếu kéo chậm thì sẽ bị cá rỉa hết mồi mà không câu được con nào. Vì vậy, người câu phải có kinh nghiệm và khéo léo khi cuốn dây.
Nghề câu nói riêng, nghề biển nói chung thường mang nhiều yếu tố may rủi, không ai đoán định được số cá mình sẽ đánh bắt được. Bởi thế nên trước mỗi chuyến câu, ngư dân luôn chuẩn bị cho mình thức ăn và nước uống. Hôm nào may mắn trúng luồng cá thì mỗi thuyền có thể câu được vài chục cân nhưng cũng có hôm “lỗ tiền dầu”.
Đa số cá loại cá câu được như cá trạng, cá ong, cá ngân, mực ống, mực lá… đều có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng nên sau khi ghe cập bờ, số thủy sản này sẽ được bán ngay tại bãi biển cho khách, thương lái hoặc mang đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng.
Đối với những ngư dân nơi miền chân sóng, dù số lượng cá câu được nhiều hay ít thì ngày hôm sau, họ vẫn giong thuyền ra biển để buông câu như là một thói quen, một niềm vui giữa không gian bao la, khoáng đạt mây trời.
Trần Tuyền
Nguồn: Báo Quảng Trị