(TSVN) – Dù là tỉnh miền núi nhưng Hòa Bình có hơn 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thủy lợi, thủy điện. Đây là tiềm năng sẵn có về mặt nước, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ để Hòa Bình khai thác nuôi trồng thủy sản, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Chi cục Thủy sản Hòa Bình, thời gian qua, ngành thủy sản Hòa Bình chú trọng phát huy thế mạnh tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản, ứng dụng công nghệ mới vào các hoạt động thủy sản nhằm đa dạng sản phẩm. Tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng giá trị thu nhập. Phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện sông Đà, bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường nhằm phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái vùng hồ.
Hồ thủy điện Hòa Bình có nhiều tiềm năng nuôi cá và phát triển du lịch. Ảnh: ST
Tăng cường công tác dự báo phòng ngừa dịch bệnh, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản; tiếp tục duy trì diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ, nuôi cá ruộng, nuôi cá hồ chứa. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, sản lượng thủy sản của tỉnh cũng gặt hái được nhiều kết quả.
Theo Cục Thống kê Hòa Bình, 6 tháng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hòa Bình đạt 2.315,5 ha, so cùng kỳ năm 2022 bằng 100,03%. Trong đó, diện tích cho sản phẩm trong 6 tháng đầu năm là 1.125 ha. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đạt 4.614 tấn, so cùng kỳ năm trước, bằng 106,03%. Trong đó, sản lượng cá đạt 4.468 tấn (chiếm 96,84%), sản lượng tôm đạt 55,6 tấn, sản lượng thủy sản khai thác khác đạt 90,4 tấn.
Khai thác thủy sản diễn ra chủ yếu là trên hồ thủy điện sông Đà và các sông suối lớn, hồ, đập. Phương tiện khai thác gồm thuyền các loại 1.470 chiếc, lưới các loại 1.250 chiếc và 445 cái vó đèn, sản lượng khai thác hàng năm ước đạt khoảng 2.000 tấn. Đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá tạp, tôm sông, các loài cá có giá trị kinh tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh tập trung phát triển theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi, tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản, có giá trị kinh tế như: Cá lăng, cá chiên, cá trắm đen, cá chép, cá bỗng, cá rô phi…
Đặc biệt, để khai thác lợi thế diện tích mặt nước và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều hộ dân vùng lòng hồ Hòa Bình đã phát triển mô hình nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận, để vừa phát triển bền vững ngành thủy sản vừa phục vụ phát triển du lịch vùng hồ, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng, các hợp tác xã tiếp tục phát triển chăn nuôi hiệu quả các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó, tập trung vào các loại cá đặc sản vùng hồ, áp dụng quy trình nuôi trồng VietGAP, thủy sản hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí. Đồng thời hướng tới phát triển nuôi trồng các loài thủy sản mục đích làm cảnh, giải trí ở khu đô thị, khu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch, các hoạt động giáo dục, du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm.
Anh Vũ