(TSVN) – Mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xả thải ra môi trường không chỉ tác động đến chất lượng nước mà còn ảnh hưởng đến sản lượng của những hộ nuôi lân cận. Để giải quyết những bất cập này, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã phối hợp với Viện Khoa học thuỷ sản II thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm không xả thải trên địa bàn ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.
Anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa là hộ đầu tiên được đầu tư mô hình với 4 ao nuôi và 1 ao dèo. Thông thường với diện tích nuôi như vậy thì trước đây anh cần 4 nhân công thay nhau canh và xử lý nước. Chi phí ước tính lên đến 15 triệu đồng/tấn tôm. Sau khi áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh không xả thải, anh Nguyên chỉ phải thuê 2 nhân công. Đặc biệt với mô hình này anh không cần tốn chi phí thay nước, do đó nước không xả ra ngoài ao hồ hoặc sông như trước kia, đảm bảo môi trường nước xung quanh vùng nuôi không bị ô nhiễm.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh không xả thải theo công nghệ tuần hoàn khép của anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau. Ảnh: ST
Anh Nguyên cho biết để thực hiện mô hình này anh đã đầu tư 4.500 m2 làm ao nuôi và ao dèo; hệ thống tuần hoàn nước gồm 2 ao giá thể, 1 ao nuôi cá, 3 ao rong biển với diện tích 6.500 m2 và 1 ao cấp bù nước khi hệ thống nước trong ao bị rò rỉ. Kết quả sau gần 3 tháng thả nuôi, tôm của anh cho thu hoạch với màu sắc rất đẹp, đạt kích cỡ 39 con/kg. Tôm ở ao nuôi của anh Nguyên đạt 22 chỉ tiêu của nhà máy, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc và các nước lân cận. Mặc dù tổng chi phí đầu tư gấp 3 lần so với chi phí nuôi siêu thâm canh truyền thống, nhưng mô hình này mang lại sản lượng cao hơn 20% so với trước đây, hơn nữa anh có thể kiểm soát yếu tố môi trường và tiết kiệm nước.
Tiến sĩ Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Chủ nhiệm dự án chia sẻ: Mô hình nuôi tôm này có kỹ thuật tương đối mới, mới so với cả thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Ðây cũng là lần đầu tiên Cà Mau áp dụng kỹ thuật nuôi tôm không thay nước, giảm được nhiều chi phí và cho sản lượng đạt từ 60 – 70 tấn/vụ. Tôm được thả liên tục trung bình từ 6 – 8 vụ/năm, không cần phơi đầm thay nước như trước kia. Chính điều này đã tạo điều kiện cho người nuôi tăng số vụ từ đó giúp tăng sản lượng. Về lâu dài, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh không xả thải áp dụng công nghệ tuần hoàn khép kín còn khắc phục được hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu do không phát khí cacbon ra môi trường.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu của mô hình này vẫn còn khá cao với khoảng hơn 2 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nuôi truyền thống. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã xin chủ trương của tỉnh thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ, thực hiện cho vay ưu đãi theo chủ trương chung của nhà nước để nhiều người dân có thể áp dụng mô hình nuôi tôm bền vững góp phần nâng cao sản lượng và bảo vệ môi trường.
Khánh Nguyễn