(TSVN) – Tôm có dấu hiệu nổi đầu sáng sớm, hoạt động chậm, bắt lên quan sát thấy trên vỏ bị đóng rong, mang có màu đen. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Trần Lệ Hằng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Theo mô tả, tôm có thể bị bệnh đóng rong. Quan sát kỹ sẽ thấy bộ khung vỏ dày bị đóng rong, ruột teo, càng lớn dài. Tôm khó khăn trong việc trao đổi ôxy và chết khi hàm lượng ôxy không cao. Nguyên nhân là do yếu tố môi trường tạo ra trong đó tác nhân chính là tảo Nitzschia, tảo lục Enteromorpha, các loài tảo sợi và tảo lam, nấm, nguyên sinh động vật: như Zoothamnium, Epistylis, Vorticella; Các vi khuẩn dạng sợi như Leuthrix, Flavobacterium, vi khuẩn Vibrio, Flexibacter tác động lên nhau.
Bệnh thường xảy ra trong các ao nuôi tôm bị ô nhiễm đáy, quản lý môi trường nước không tốt, có nhiều thức ăn thừa, thiếu ôxy đáy. Khi mới bị đóng rong tôm vẫn khỏe, chắc thịt. Tuy nhiên, nếu nhiễm nặng tôm có thể bị bám ở chân và râu, chết khi lột xác, do đó có thể thấy xác tôm có vỏ rất mềm và sạch.
Tôm thường nổi đầu vào sáng sớm. Tôm hoạt động chậm, bơi ven bờ, tập trung nơi có nhiều ôxy. Thân tôm xốp, không chắc, giảm ăn, tôm chậm lột xác hay lột xác không hoàn toàn. Để phòng bệnh, cần quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu ôxy cho tôm.
Tăng cường thay nước nhằm cải thiện môi trường đồng thời kích thích cho tôm lột xác. Khi phát hiện tôm bị đóng rong, việc đầu tiên cần làm là giảm ngay lượng thức ăn từ 5 – 10% kết hợp với việc trộn Vitamin C, tạt khoáng chất giúp tăng sức đề kháng và kích thích quá trình lột vỏ cứng.
BAN KHKT