(TSVN) – Bông điên điển đẹp không chỉ vì sắc hoa vàng rực rỡ, cánh hoa nở như sợi xâu chuỗi rung rinh trong gió; bông súng trắng tinh đong đưa trong gió trên mặt nước gợn sóng lăn tăn mà còn vì hai loài bông kia có lợi ích cho người.
“Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”. Câu nói ngày xưa của nội đã in sâu vào tâm trí tôi. Hôm nay, qua bến đò ngang Chợ Thủ, Long Điền A, tỉnh An Giang -Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, nhìn dòng Tiền giang mênh mang đôi bờ đậm màu phù sa đang cuồn cuộn chảy, với từng dề lục bình trổ bông màu tim tím, câu nói của nội như văng vẳng bên tai tôi. Nhìn những khóm lục bình trôi, bất chợt trong tôi đã cảm tác bài thơ:
Lục bình bông tím, lá xanh
Mênh mang sóng nước mong manh phận đời
Nổi trôi một kiếp luân hồi
Ngao du sơn thủy để rồi… tái sinh
Bông điên điển. Ảnh: Khắc Hiếu
Đi trên tuyến đường Tỉnh lộ ĐT Võ Văn Kiệt từ huyện Thanh Bình đến huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, nhìn những đám ruộng lúa đã thu hoạch xong, nước đã nhảy lên đồng trắng xóa, lấp loáng những chùm bông điên điển xa xa đã trổ những cánh bông xâu chuỗi vàng rực rỡ, đang đong đưa theo chiều gió như những cánh bướm chập chờn. Trên mặt nước lăn tăn, những bông súng trắng cũng đong đưa trong gió. Một thoáng mơ màng nhớ về mùa nước nổi năm xưa ở cánh đồng quê nội.
Ngày ấy, phía sau vườn nhà nội tôi, có một con mương nhỏ với hàng trâm bầu xanh lá. Buổi trưa yên tĩnh lắm, chỉ có những tiếng chim chích chòe hót líu lo ở bụi tre gai sau vườn. Đậu xuồng bên gốc trâm bầu, tôi lấy cần câu trúc, móc miếng mồi tép, thả xuống chỗ đám cá rô đang ăn móng. Cá đớp mồi, ghì chặt cần câu. Tôi giựt lên, một con cá rô mề to bằng bàn tay, trông phát mê!
Chán câu, tôi chống xuồng vào nhà, rủ mấy thằng bạn xách chỉa ra những gò đất cao để săn chuột đồng và rắn. Gần một buổi đi săn được một xâu dài, tôi cùng mấy thằng bạn chống xuồng đi hái bông điên điển. Chỉ một lúc đã hái đầy ắp hai chiếc nón lá. Những thằng bạn hả hê xách một xâu chuột và rắn về nhà, còn tôi được hai nón lá bông điên điển. Bữa cơm chiều có những dĩa bông điên điển xào với cá rô đồng kho tộ. Bông điên điển vị ngọt mà thanh làm sao.
Ngày hôm sau, tôi lại tiếp tục rủ bạn bơi xuồng, quăng chài bắt nhiều loại cá trên đồng nước nổi. Mỗi lần quăng chài bắt được nào là cá linh, cá lòng tong, cá chốt, cá thiểu, cá rô, tép. Chài được một xô cá, tép. Tôi và thằng bạn bơi xuồng vừa hái bông súng, vừa hái bông điên điển để đầy trong khoan xuồng. Bơi xuồng về, chia hai chiến lợi phẩm – những sản vật từ thiên nhiên, mùa nước nổi ban tặng. Bữa cơm chiều lại có nồi canh chua bông súng, bông điên điển và cá đồng kho tiêu thật hấp dẫn vô cùng.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn thích những “xâu chuỗi vàng mộc mạc – bông điên điển” và những cọng bông súng giòn, ngọt mùi hương đồng, cỏ nội quê nhà!
Bông điên điển đẹp không chỉ vì sắc hoa vàng rực rỡ, cánh hoa nở như sợi xâu chuỗi rung rinh trong gió; bông súng trắng tinh đong đưa trong gió trên mặt nước gợn sóng lăn tăn mà còn vì hai loài bông kia có lợi ích cho người. Những cô gái nghèo quê nội tôi ngày ấy, khi đến mùa nước nổi, chống xuồng dưới mưa hái bông điên điển, bông súng trắng đem ra chợ đổi gạo từng lon để nuôi đàn em qua mùa nước nổi.
Mùa nước nổi trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã tôn cao đê bao để trồng lúa, hoa màu vụ Thu Đông, xây dựng nông thôn mới, hoàn thành nhiều cụm – tuyến dân cư vượt lũ và bố trí những hộ nghèo lên sinh sống ổn định, tổ chức dạy nghề – tạo việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình. Tôi không còn thấy những cô gái nghèo chống xuồng dưới mưa để hái từng bông điên điển, bông súng trắng đổi gạo như năm xưa. Nhưng sao trong những bữa cơm tôi thường thấy nhạt. Phải chăng nhạt vì tôi vẩn vơ hoài mùa nước nổi năm xưa.
Cận cảnh bông điên điển
Bông điên điển
Hoa lục bình
Những chiếc xuồng trên sông mùa nước nổi ở Đồng Tháp
Bông điên điển và bông súng được bày bán ngoài chợ
Trần Trọng Trung