(TSVN) – Một trong những dấu ấn tâm huyết xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong là quan tâm thực hiện cho bằng được “Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc Gia Tràm Chim (QGTC).
Vườn QGTC, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có tổng chu vi hơn 70 km, diện tích chiếm 7.313 ha. Đây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 20.000 cá thể loài chim nước, trên 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác… Trong đó, có 231 loài chim quý hiếm của thế giới có giá trị bảo tồn như: ngan cánh trắng, cú lợn lưng nâu, đại bàng đen, chích chòe lửa, ô tác, cò thìa, cò quắm, công đất, te te, gà đãi, giang sen, diệc, trích, rồng rộc vàng…
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong thăm Vườn Quốc gia Tràm Chim
Bên cạnh đó, Vườn QGTC còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000 ha tràm, hàng chục ha hoa vàng đầu ấn và cả ngàn ha lúa trời, sen, súng, cỏ, năn… Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống.
Vườn QGTC đã được cấp Bằng công nhận là khu Ramsar về đất ngập nước thứ 4 của Việt Nam và thứ 2000 của thế giới. Ngày 16/10/2015, Vườn QGTC cũng được Cục Di sản Văn hóa xếp hạng mục là Danh lam thắng cảnh. Đây là một trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam. Sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương!
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong thăm Vườn Quốc gia Tràm Chim
Trong Vườn QGTC chia thành 5 phân khu chức năng từ khu A1 đến khu A5. Trong các phân khu có nhiều bãi cỏ năn là nguồn thức ăn ưa thích của loài sếu (hồng hạc) đầu đỏ, cổ trụi – một loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ. Theo đánh giá, trong 10 năm qua, các cá thể sếu đầu đỏ ở hai quốc gia Việt Nam và Campuchia đã suy giảm rõ rệt, từ khoảng 850 con vào năm 2010 thì đến năm 2022 theo ghi nhận chỉ còn khoảng 160 con.
Đoàn tới thăm khu thả sếu
Nếu như vào thập niên 90 của thế kỷ XX, tại Vườn QGTC xuất hiện cả ngàn cá thể sếu đầu đỏ kiếm ăn, bay lượn chập chờn, múa hót vang trời trên vùng đất Tràm Chim thì từ năm 2021, ở khu Ramsar Tràm Chim chỉ xuất hiện 3 cá thể sếu và từ năm 2022 đến nay thì không còn hình bóng một con sếu nào ở đây cả.
Trong những lần tháp tùng cùng Bí thư Tỉnh ủy đi khảo sát tại Vườn QGTC, ông Nguyễn Phước Thiện – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn QGTC đã được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực vừa phục hồi đàn Sếu tự nhiên – vừa xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ và quảng bá du lịch. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp nhận và chuyển giao các cá thể sếu từ Thái Lan về chăm sóc, huấn luyện theo giáo trình nghiêm ngặt không làm thai đổi tập tính sống hoang dã của sếu tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Vườn QGTC. Dự kiến, từ năm 2023 – 2033, sẽ thả về tự nhiên 150 cá thể sếu và có ít nhất 100 con sếu sống khỏe mạnh rồi tự nhân đàn trong tự nhiên… Còn vùng sản xuất lúa hữu cơ dự kiến thả Sếu là 1.138 ha, với 275 hộ ở 2 xã Phú Đức và Tân Công Sính giáp Khu A4, được thực hiện 3 giai đoạn từ năm 2023 đến 2025.
Đoàn tới khăm khu thả sếu
Tính từ giữa năm 2022 đến nay đã có ít nhất ba lần Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Quốc Phong đến kiểm tra, khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo huyện Tam Nông và Vườn QGTC. Lần đầu, ông Phong đến Trại Bảo tồn sinh vật Vườn QGTC để thị sát việc xây dựng chuồng trại, nơi tiếp nhận cá thể Sếu ban đầu về chăm sóc, nuôi dưỡng, làm quen với cảnh quan môi trường. Lần thứ hai vào cuối tháng 2/2023, ông Lê Quốc Phong và ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến làm việc với UBND huyện Tam Nông và Vườn QGTC về tiến độ triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ vùng dự kiến thả sếu tự nhiên.
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo: lãnh đạo địa phương và Vườn QGTC phải nhanh chóng hoàn thành hồ sơ phê duyệt tổng thể; gấp rút tập trung cải tạo tốt phân khu A4, khu nuôi Sếu sinh sản, khu nuôi thả Sếu phải phù hợp môi trường sống tự nhiên của Sếu và phải có sinh cảnh tốt nhất cho sếu sinh trưởng và phát triển.
Chim cổ rắn đậu trên ngọn cây
Về sản xuất lúa hữu cơ, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Nhà nước địa phương phải làm cầu nối để người dân thấy việc sản xuất lúa hữu cơ là có lợi, tránh sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Tất cả phải làm song song chứ không chần chừ bỏ lỡ cơ hội tốt.
Vào sáng sớm ngày 07/7/2023, ông Lê Quốc Phong và ông Nguyễn Phước Thiện tiếp tục dẫn đầu đoàn khảo sát tỉnh đi sâu trong Vườn QGTC khảo sát tuyến du lịch sinh thái dự kiến thực hiện vào vùng lõi Khu A1 – nơi thực hiện phục hồi sinh thái, đốt cỏ chủ động, phục hồi bãi năng kim và lúa ma; khảo sát khu dự kiến thả sếu ở khu A4, khu A5.
Bí thư trao đổi với nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ trong vùng dự án thả sếu
Tháp tùng cùng Đoàn khảo sát đến Tràm Chim khi bình minh vừa ló dạng, sương mai còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ, ngồi trên tắc ráng lướt sóng trên dòng kênh, ngắm nhìn hai bên bờ… chim chóc bay đi kiếm ăn rất nhiều, tiếng chim hót líu lo nghe thật vui tai… Bầy le le, vịt trời cả trăm con, nghe tiếng máy đến gần, vút bay lên cao rồi dang đôi cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẩm phía xa. Có mấy con chim bói cá khoác màu lông xanh biếc, thảnh thơi đậu trên những nhánh tràm, cọc tre; có con nhanh nhạy sà xuống nước đớp mồi trông thật ngoạn mục. Vài con chim trích mồng đỏ tươi, lông xanh thẩm, đuôi vanh vảnh… thoát ẩn, thoát hiện trong những đám cỏ, năn ven bờ kênh… Từ trên Đài quan sát nhìn xuống là cả một rừng tràm nguyên sinh. Thân tràm lớ -nhỏ hòa quyện nhau vươn lên trời cao, lá tràm vi vu đong đưa xào xạc trong gió sớm, bông tràm tỏa hương thơm ngào ngạt.
Đàn trích ở Trung tâm Bảo tồn sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim
Qua khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Vườn QGTC đưa ra ý kiến nên vẽ lại bản đồ đánh giá diễn biến mức nước lũ từ 10 năm trở lại đây; nên chọn lực lượng đoàn viên thanh niên và người dân địa phương am hiểu về Vườn để tập huấn làm cộng tác viên hướng dẫn du lịch, kể những câu chuyện hấp dẫn, sinh động về hệ sinh thái động – thực vật của Vườn Quốc gia Tràm Chim; thiết kế lại tour, tuyến và thời gian thích hợp để du khách trải nghiệm; bước đầu tạo điểm môi trường sống, phục hồi bãi năng kim, lúa ma… cho sếu ăn, sinh hoạt múa hót và sinh sản. Sau đó, mở rộng ra nhiều điểm để giữ chân sếu và nhân đàn; giữ nguyên rừng tràm đã trồng, xem xét tỉa thưa tràm tái sinh tạo cảnh quan môi trường thông thoáng làm bãi đáp cho sếu.
Quang cảnh Trại bảo tồn sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim, nơi tiếp nhận sếu để chăm sóc
Thăm một số hộ dân làm lúa hữu cơ vùng đệm, Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi với sự đồng thuận của nông dân trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Bởi, nông dân nơi đây đã được chính quyền địa phương và Vườn QGTC tuyên truyền thông hiểu được lợi ích của mô hình là giúp nông dân có liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, giảm giá thành đầu tư mà giá bán sản phẩm tăng cao và nâng lợi nhuận cho nông dân.
Hiện nay, có 4 hộ ở xã Phú Đức và xã Tân Công Sính tham gia mô hình canh tác 40 ha lúa theo hướng hữu cơ, lúa được trên 80 ngày tuổi, đang trong giai đoạn trổ chín… Nông dân thực hiện mô hình đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí tôn cao bờ bao, kéo đường điện làm trạm bơm thoát nước chống úng cho lúa … Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và yêu cầu các Sở, ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương khảo sát thực tế để hỗ trợ nông dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để thực hiện thành công “Dự án sản xuất lúa hữu cơ tại vùng dự kiến thả sếu tự nhiên để bảo tồn và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn QGTC giai đoạn 2023 – 2033, với khoảng 150 cá thể sếu đầu đỏ, cổ trụi”.
Bí thư khảo sát Vườn Quốc gia Tràm Chim
Từ ngày 18/7/2023 đến 22/7/2023, đoàn cán bộ của Thái Lan có ông Wanchai Tunwattana – Phó Giám đốc Zpot, Thanachon Kensingh – Giám đốc Vườn thú Nokorn Ratchasima cùng các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các Sở, trường Đại học… đã đến tỉnh Đồng Tháp thăm và khảo sát thực tế các hệ sinh thái tự nhiên tại các Phân khu trong Vườn Quốc gia Tràm Chim và khu vực triển khai mô hình lúa hữu cơ xung quanh khu A4. Đoàn đã đánh gia cao việc hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ giữa tỉnh Đồng Tháp và Thái Lan; đồng thời bày tỏ: sau đợt ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ vào tháng 4/2023 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Hiệp Hội Vườn thú Việt Nam, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan và Hội Sếu quốc tế. Theo đó, Đoàn Thái Lan đã tư vấn hỗ trợ Tràm Chim về phục hồi đa dạng sinh học, môi trường cảnh quan thiên nhiên phù hợp với môi trường sống tự nhiên của sếu và thiết kế hạ tầng kỹ thuật chuồng trại bảo tồn, phát triển đàn sếu cho cả giai đoạn 10 năm… Đồng thời, thảo luận chuyến tập huấn đoàn Việt Nam tại Thái Lan dự kiến 5 người, khoảng 14 ngày vào tháng 10/2023 và trao đổi thủ tục chuyển giao sếu giữa hai nước, trách nhiệm của hai bên; thời gian dự kiến chuyển giao và tiếp nhận 2 cá thể sếu trưởng thành; thiết bị và phương tiện vận chuyển của cả hai phía Việt Nam và Thái Lan; chuyên gia và nhân viên kỹ thuật tham gia quá trình vận chuyển, phía Thái Lan nên cử chuyên gia đi theo trong suốt quá trình vận chuyển, hỗ trợ giám sát sếu được đưa về, chịu trách nhiệm chăm sóc và bảo hành sức khỏe của Sếu trong khoảng thời gian đến hết đợt thả lần đầu tiên.
Bí thư và đoàn đi khảo sát Vườn Quốc gia Tràm Chim
Dự kiến, trong năm 2024 Thái Lan sẽ chuyển cho Đồng Tháp tiếp 6 con sếu và mỗi năm Thái Lan sẽ chuyển giao 6 con sếu cho đến năm 2028 đảm bảo sẽ chuyển giao được 30 con sếu đầu đỏ an toàn, khỏe mạnh…
Tất cả mọi thứ đã và đang được chuẩn bị sẵn sàng theo đúng quy trình, mọi người đang háo hức đón chờ từng cá thể sếu đầu đỏ, cổ trụi từ Vương quốc Thái Lan chuyển tới Vườn QGTC để được chăm sóc và thả về môi trường sống tự nhiên. Xin được cảm tác vài câu lục bát để khép lại ký sự này:
Bí thư Tỉnh ủy “Quốc Phong”
Thăm Vườn sinh thái Tam Nông một vòng
Tràm Chim, Đồng Tháp – Sen Hồng
Nghe bông lúa hát trên đồng ngất ngây
Bông tràm tỏa ngát hương bay
Đàn chim chao liệng đắm say lòng người
Cỏ, năng, thủy sản, lúa trời…
Tràm Chim xinh đẹp gọi mời… Hạc tiên!
Trần Trọng Trung
(Bài và ảnh)