Bình Định: Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ bờ biển, duy trì đa dạng sinh học và sinh kế cho người dân. Nhờ các giải pháp bảo vệ, phục hồi của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng được mở rộng, góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm để bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, hệ sinh thái rừng ngập mặn dần phục hồi đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn tình trạng xâm thực, sạt lở và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Rừng ngập mặn là nơi trú ngụ, sinh trưởng của các loài cá, chim, cò,… Ảnh: Thành Nguyên

Năm 2024, Trung tâm tiếp tục tổ chức chăm sóc 18,8 lượt ha rừng hiện có, trồng 4.600 cây ngập mặn phân tán trên đầm Đề Gi và Thị Nại. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức bảo vệ, không để xảy ra tình trạng xâm hại đối với 88,11 ha rừng trồng tại xã Mỹ Chánh (24,3 ha), thị trấn Cát Khánh (4,3 ha), xã Phước Hòa (10,6 ha), xã Phước Sơn (36,2 ha), xã Phước Thuận (7 ha) và phường Nhơn Bình (5,71 ha); xử lý dứt điểm tình trạng cắm cọc, quây lưới trái phép tại Khu sinh thái Cồn Chim – đầm Thị Nại. 

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân trong chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn là hết sức quan trọng. Nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, lâu dài của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng như sự đồng hành của người dân. Vì vậy, hàng năm Trung tâm luôn triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Qua đó góp phần hình thành được ý thức, thói quen và thu hút sự quan tâm của người dân sống ven đầm Đề Gi và Thị Nại cùng chung tham gia bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên của rừng ngập mặn. Dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức 06 lớp tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn cho các hộ dân sống ven đầm Đề Gi và Thị Nại.

Trồng rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại. Ảnh: Thành Nguyên

Ông Huỳnh Ngọc Biên, Trưởng thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, chia sẻ: Nhờ được thường xuyên tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng ngập mặn nên nhận thức của các hộ dân được nâng lên thấy rõ, không còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm, cắm cọc khai thác thủy sản diễn ra như trước đây. Vì vậy, các loài thủy sản như tôm, cua, cá và các loài chim về trú ngụ ngày càng nhiều. Ban nhân dân thôn sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng, không lấn chiếm, cắm cọc, quây lưới, bảo vệ hệ sinh thái và sẽ có quy ước cụ thể để xử lý những trường hợp vi phạm trong thời gian tới.

Việc trồng rừng ngập mặn đã khó nhưng công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng càng khó hơn, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay phối hợp của các cấp, các ngành địa phương và của cộng đồng dân cư sinh sống ven đầm. Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục ký hợp đồng khoán bảo vệ với các hộ dân, tổ chức trồng cây phân tán, thông tin tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức. Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm phá rừng, cắm cọc, quây lưới trái phép.

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!