Trộn bùn đất vào cua nuôi để con cua trông như vừa được móc ở ngoài đồng là mánh khóe của một số người buôn cua cá ở chợ Hà Nội hòng đánh lừa người mua để vừa đắt hàng lại bán được với giá cao.
Theo tiết lộ của một người tên T. có thâm niên “trong nghề” buôn cua thì: Bây giờ hiếm buôn được cua đồng móc để ngày nào cũng có bán, chủ yếu chỉ buôn được cua nuôi ở ao, ruộng.
“Cua đồng móc đúng là toàn bùn rất bẩn, phải ngâm lâu và rửa nhiều nước mới sạch bùn đất. Còn những hàng bán cua dính đầy bùn mà chị nhìn thấy thì chi là cua được người bán trộn bùn đánh lừa thôi. Nếu không tin chỉ cứ mua thử và chỉ cần về rửa qua một lần cua đã sạch bóng. Mặt khác, khi nấu canh cua kém ngọt mà có vị mặn, thịt nát và gạch đen xanh chứ không vàng như cua đồng chính hiệu” anh T. bật mí thêm.
Khảo sát những cửa hàng bán cua tại chợ Hoàng Mai – Hà Nội, giá cua được “tắm” bùn được bán với giá 15.000 đồng/kg, trong khi đó, các cửa hàng với những chậu cua sạch bóng cũng chỉ 130.000 – 140.000đồng/kg, nếu xé, xay cua và nhẩy gạch sẵn thì mới có giá 150.000đồng/kg.
Con cua nào cũng dính đầy bùn được người bán quảng cáo là cua đồng, cua móc chính hiệu.
Hỏi nhỏ một vị khách tên Bình đang mua cua ở hàng có chậu cua dính bùn đây có đúng là cua móc không, chị này cho hay: cua bẩn thế này thì đúng rồi còn gì, giá cũng đắt hơn các hàng cua khác nữa.
Hỏi thêm một người mua khác, chị này khuyên: vào mua nhanh kẻo hết, không phải ngày nào cũng có đâu, 2-3 ngày mới thấy bán đấy. Việc này được anh T. có thâm niên buôn bán cua lý giải “nếu ngày nào cũng bán thì người mua như các chị có tin là cua đồng, cua móc thật không? Đây cũng là miếng nghề đấy”.
Theo kinh nghiệm chia sẻ của anh T, nếu là cua nuôi thì các con cua to đều như nhau, càng to, dùng ngón tay gõ vào thấy âm thanh rỗng, ốp, khi nhắc nhẹ mai cua phía dưới bụng sẽ thấy gạch cua có màu đen xanh. Cua đồng rất hiếm bởi các cánh đồng không còn nhiều, thêm vào đó với đủ các loại thuốc trừ sâu thì số lượng cua cũng ngày càng ít đi.
Trước đó, vào tháng 11/2012, cả Hà Nội kinh hãi với công nghệ bắt cua đồng bằng…thuốc sâu của các thương lái ở Quảng Bình sau đó vận chuyển ra Hà Nội để tiêu thụ.
Theo một người bán cua ở Quảng Bình cho biết: “Ước tính mỗi ngày có hàng chục tấn cua đồng được các thương lái ở Quảng Bình thu gom và chuyển lên xe ôtô đưa đi Hà Nội tiêu thụ. Trong số cua đồng này phần lớn đều được đánh bắt bằng thuốc trừ sâu…”.
Một địa điểm thu gom cua đồng bắt bằng thuốc sâu ở xã An Thủy, Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Ông T ở xã Sơn Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ – Quảng Bình) chia sẻ: “Lưới và bộ kích điện trong mỗi đêm đi bắt cua đồng chỉ là đồ nghi binh. Vũ khí thực sự để tận diệt cua đồng của tôi chính là 2 gói thuốc trừ sâu hiệu MOTOX 5EC và 2 cái chai nước rửa chén Sunlight 800ml”.
Ông T cho biết, mỗi đêm trên những cánh đồng quanh phá Hạc Hải có hàng trăm người ở các xã quanh phá như An Thuỷ, Lộc Thuỷ, Hoa Thuỷ, Hồng Thuỷ, Sơn Thuỷ… làm nghề đánh bắt thuỷ hải sản, trong đó có không ít người làm nghề như ông.
Khi ra tới cánh đồng, ông T lấy chai nước rửa chén Sunlight đựng thuốc sâu lắc đều và bắt đầu xịt xuống mặt nước. Cứ chừng 5m, ông T xịt một lần xuống nước. Mùi thuốc sâu nồng nặc xông vào mũi, khiến chúng tôi không thể chịu nổi, liên tục hắt xì hơi. Xịt xong thuốc, ông T chèo đò vào bờ đê ngồi hút thuốc.
Một lúc sau, ông T giục vợ xách đèn đi quanh bờ đê để bắt cua. Trong ánh đèn pin, hàng chục, hàng trăm con cua đồng chen chúc nhau bò lên bờ đê. Ở những mô đất, hay ngọn cỏ nhô lên giữa nước, cảnh tượng càng ấn tượng khi từng chùm cua đồng co cụm tranh nhau leo lên. Có lẽ không thể chịu nổi độc tố của thuốc sâu, cua đồng mới tìm cách trồi lên khỏi mặt nước để lánh nạn…
“Trước đây khi mới đánh bắt bằng “phương pháp” này mỗi đêm vợ chồng tui thu hàng tạ cua đồng. Còn bây giờ, lượng đánh bắt ngày càng ít do cua đồng bị cạn kiệt và quá nhiều người làm nên mỗi đêm được khoảng 20 kg, bán được hơn 300 ngàn như ri cũng đã nhiều rồi” – ông T thổ lộ và cho biết tiếp: “Những người làm nghề bắt cua đồng ở huyện Lệ Thuỷ, phần lớn lượng cua đánh bắt được, họ đều nhập cho thương lái với giá dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg. Thương lái sau khi gom hàng, đóng gói thì chuyển lên xe ôtô đưa ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tiêu thụ”.